Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang và Ngân hàng Xây dựng: Chưa tìm được “tiếng nói chung”

Khởi kiện “thân thiện”

Ngày 14-6, gần 20 phóng viên của các cơ quan báo chí theo lời mời của Công ty cổ phần Phương Trang đã đến trụ sở Ngân hàng Xây dựng (CB) với mong muốn được tham dự buổi làm việc giữa Phương Trang và CB về khoản vay nợ của Công ty Phương Trang ở ngân hàng này. Tuy nhiên, lấy lý do “đây là cuộc làm việc riêng”, đại diện CB đã mời các phóng viên qua một phòng họp khác.

Khởi kiện “thân thiện”

Tại phòng họp này, đại diện Ngân hàng CB chia sẻ, CB khởi kiện Công ty Phương Trang vì thời hiệu trong hợp đồng cho vay quy định như thế. Đây là chuyện liên quan tới “mạng sống” vì quá thời hạn không khởi kiện sẽ đi tù. Trước khi khởi kiện, đại diện CB đã đến gặp Công ty Phương Trang để trao đổi trước. Do vậy, có thể nói, đây là vụ khởi kiện “thân thiện”. Nói về sự khác nhau giữa số tiền vay được Công ty Phương Trang thừa nhận với số tiền cho vay được CB công bố, đại diện CB khẳng định, đối với CB chỉ có… một con số. Tuy nhiên, “nhiều khi sổ sách không chặt chẽ”, có thể dẫn đến việc mỗi bên hiểu một cách.

Trao đổi bên lề về sự kiện này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, với các hồ sơ vay vốn lớn, phức tạp, các số liệu không trùng khớp nhau là chuyện bình thường. Thế nhưng, mức độ sai số lớn như vụ CB kiện Công ty Phương Trang gần như chưa xảy ra.

Phương Trang không thay đổi quan điểm

Trả lời phóng viên Báo SGGP sau cuộc làm việc với CB, đại diện Công ty Phương Trang cho biết: “Mọi việc còn rất phức tạp. Công ty Phương Trang không thay đổi quan điểm”. Quan điểm của Công ty Phương Trang theo tài liệu mà chính đơn vị này gửi cho các cơ quan báo chí và gửi cho cả CB ngày 13-6-2016, tên chủ thể doanh nghiệp có số nợ vay hơn 3.000 tỷ đồng được nhắc tới trong thông cáo báo chí của CB là Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) là không đúng, công ty này không có quan hệ tín dụng, không vay bất cứ một đồng nào của CB. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc CB xếp dư nợ của Công ty Phương Trang là “nợ xấu” là thông tin phiến diện, chủ quan, sai lệch, tạo dư luận rất xấu có thể bóp chết doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi lẽ: nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Đối với các ngân hàng, nợ xấu tức là các khoản tiền cho khách hàng vay, thường là các doanh nghiệp, mà không thể thu hồi lại được do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản. Theo Công ty Phương Trang, số nợ vay hơn 3.000 tỷ đồng của Công ty Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh hoàn toàn không phải nợ xấu mà là tranh chấp tín dụng.

Công ty Phương Trang tiếp tục khẳng định, CB đã ghi khống cho Công ty Phương Trang số nợ lên đến gần 9.500 tỷ đồng, sau đó cộng cả lãi lên đến gần 17.000 tỷ đồng. Trong biên bản làm việc ngày 28-1-2015 giữa đại diện CB và Công ty Phương Trang, có sự chứng kiến của ông Trịnh Đình Nho - Thanh tra viên chính Ngân hàng và ông Nguyễn Vũ Quang Anh - Điều tra viên C46 - Bộ Công an, đều đã thống nhất ý kiến về mặt nguyên tắc trả nợ vay theo thỏa thuận hoán đổi tài sản. CB xác nhận chậm nhất đến ngày 6-2-2015 sẽ thực hiện giải pháp trả nợ này cho Công ty Phương Trang. Công ty Phương Trang còn cho biết, 211 ô tô của công ty bị CB “giam lỏng” 4 năm nay, nay đã gỉ sét, xuống cấp.

Sự bất nhất về dư nợ và số tiền vay thực nhận giữa CB và Công ty Phương Trang cũng như giải pháp xử lý tài sản thế chấp đã kéo dài từ năm 2012 đến nay. Trong suốt thời gian đó, hai bên đã có nhiều cuộc làm việc, đặc biệt Công ty Phương Trang đã gửi văn bản đi “cầu cứu” nhiều nơi. Cuộc họp ngày 14-6-2016 như đại diện CB cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu xử lý rốt ráo vụ Công ty Phương Trang vay tiền của CB và được chính những người trong cuộc kỳ vọng sẽ giải quyết được vướng mắc, song đã chưa thành công như mong muốn.


TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục