Đạo diễn Phạm Thanh Phong: Kịch bản Huyền sử Thiên đô rất tốt

Đạo diễn Phạm Thanh Phong: Kịch bản Huyền sử Thiên đô rất tốt

Bộ phim truyện truyền hình “Huyền sử Thiên đô” dài 70 tập về Vua Lý Công Uẩn (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, Công ty CP Sao Thế Giới sản xuất, Hãng Phim truyện 1 thực hiện) sẽ được phát sóng trên VTV3 vào đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phạm Thanh Phong (ảnh) - 1 trong 2 đạo diễn chính, về những câu chuyện xung quanh việc làm phim này.

Đạo diễn Phạm Thanh Phong

Đạo diễn Phạm Thanh Phong

- PV: Anh có nhiều thời gian chuẩn bị cho Huyền sử Thiên đô?

Không được nhiều lắm so với một số phim tôi đã làm. Tôi nhận kịch bản tháng 8-2009 và đã đi khảo sát hết miền Tây Bắc, đến Huế và một số địa danh khác, nhưng nhận thấy ở Việt Nam không có bối cảnh phù hợp cho phim và đề nghị được sang Trung Quốc tham khảo. Chúng tôi đã đến trường quay Vô Tích (Giang Tô) nơi đã quay các phim lịch sử Trung Quốc rất nổi tiếng như: Xích Bích, Thủy Hử…, rồi quay về trường quay Hoành Điếm nhưng cũng nhận ra không phù hợp.

Tôi và nhà sản xuất (NSX) đều mong muốn thực hiện Huyền sử Thiên đô là một phim thuần Việt. Cuối cùng chúng tôi xác định sẽ quay toàn bộ tại Việt Nam. Bối cảnh chính được dựng tại phim trường Cổ Loa, các ngoại cảnh được quay tại nhiều nơi như: Ninh Bình, Hà Giang, Huế, Nha Trang, Bình Định… Lẽ ra phim phải quay vào tháng 12-2009, mới kịp ra mắt dịp đại lễ, nhưng vì khâu chuẩn bị không kịp nên đến tháng 5-2010, Huyền sử Thiên đô mới bắt đầu bấm máy.

- Làm một phim thuần Việt, nhưng đội ngũ hóa trang, may trang phục, dựng bối cảnh chủ yếu đều là người Trung Quốc, anh có lo ngại sẽ ít nhiều ảnh hưởng “hình bóng” Trung Quốc không?

Thuần Việt không phải chỉ là hình thức bên ngoài mà còn là đời sống bên trong. Công tác lưu trữ tư liệu lịch sử của chúng ta về các giai đoạn lịch sử, các triều đại vua chúa là rất ít nên người làm phim lịch sử bây giờ gặp không ít khó khăn, phần nhiều phải tưởng tượng. Đoàn phim phải mời chuyên gia hóa trang người Trung Quốc, vì tay nghề, trình độ của đội ngũ hóa trang Việt Nam rất yếu, không thể đạt hiệu quả trong phim. Lúc đầu chúng tôi mời 2 nhân viên hóa trang Trung Quốc. Sau khi phim Trần Thủ Độ quay xong, chúng tôi mời luôn 2 người hóa trang của phim này theo đoàn. Quần áo do Trung Quốc may, nhưng theo mẫu do họa sĩ thiết kế mỹ thuật của ta vẽ. Công nhân dựng cảnh Trung Quốc lo phần dựng nhà, Việt Nam thiết kế cổng thành Đại La.

- Về phần kịch bản, anh có nhận xét gì? Đoàn phim có phải thay đổi kịch bản so với kịch bản gốc?

Kịch bản của anh Tuấn có cấu trúc chặt chẽ, cách anh tạo ra nhân vật cũng rất giỏi, lời thoại rất tốt và từng tình huống anh ấy đưa vào đều có lý. Khi đưa kịch bản Huyền sử Thiên đô cho tôi, anh Tất Bình có nói tôi xem và cắt bớt vì sợ mỗi tập phim sẽ dài hơn so với thời lượng phát sóng, nhưng thú thật, đọc đi đọc lại, tôi không thể cắt được bất cứ chỗ nào. Với tôi, Huyền sử Thiên đô có kịch bản rất tốt.

- Xin cảm ơn anh.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục