Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát “lấn” sang sản xuất phim

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát “lấn” sang sản xuất phim

(SGGP 12G). - Nguyễn Thị Hồng Ngát – bà Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh ngày nào giờ là Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm ngoái, giờ này, bà Ngát đang “quay cuồng” với bộ phim chiếu tết “Em muốn làm người nổi tiếng”. Còn năm nay, bà và các cộng sự đang thấp thỏm chờ ngày ra mắt bộ phim về anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm “Đừng đốt, trong này đã có lửa” (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Chưa hết, còn một dự án phim hoạt hình do hãng trình Ban Chỉ đạo sản xuất phim 1.000 năm Thăng Long và một kịch bản phim về Bác Hồ do bà Ngát chấp bút đang dự cuộc thi kịch bản của Cục Điện ảnh.

Bà có dành khoảng thời gian nào đó trong ngày cho thơ?

Tôi làm mấy trăm bài thơ đều từ những khoảng thời gian rất bất thường, ngẫu hứng. Có khi là đầu ngày, có lúc lại giữa đêm...

Kịch bản “Hoa đào ơi hoa đào” của bà đang được Hãng Phim truyện 1 bấm máy. Bà muốn nhắn gửi điều gì với kịch bản có cái tên mang hơi hướm hài này?

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát “lấn” sang sản xuất phim ảnh 1

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và chồng – TSKH Phan Hồng Giang

Đây là phim tâm lý xã hội và có một số nhân vật phụ hài hước, vui nhộn. Bối cảnh phim là vùng đất Nghi Tàm với nghề trồng đào đang có nguy cơ bị mai một. Trên cái nền là làng đào với những giá trị truyền thống và một thủ đô ngày càng hiện đại, rộng mở là câu chuyện về số phận những con người trong gia đình, tình làng xóm…

Tôi thích cách sử dụng màu sắc tuyệt vời trong các phim của Trương Nghệ Mưu và Kim Ki Duk. Tôi nghĩ, mình có rừng hoa đào màu sắc đẹp thế sao không tạo nên “tem” cho phim. Vì cái tứ đó mà tôi viết “Hoa đào ơi hoa đào”. Đương nhiên, phần thể hiện như thế nào lại phụ thuộc vào đạo diễn, quay phim và họa sĩ thiết kế...

Từng là người của Cục Điện ảnh và nhiều năm ngồi ghế duyệt phim, bà nghĩ sao khi một số đạo diễn trẻ kêu ca những cảnh mà họ gửi gắm nhiều ý tưởng cùng những sáng tạo nghệ thuật bị hội đồng duyệt đề nghị cắt bỏ?

Người trong hội đồng đều là những người đại diện cho giới chuyên môn và có chuyên môn nên họ không thể tùy tiện bắt cắt bỏ hay sửa chữa... Có khi đạo diễn “khoe” cảnh này bị cắt, cảnh kia phải sửa để… “làm sang” tí thôi. Cảnh giường chiếu mà dàn dựng không tinh tế thì không nên để. Diễn viên ngượng ngập và đạo diễn thì làm chưa đến độ. Chán lắm.

Nhưng hội đồng đều là người cao tuổi nên có thể cách nhìn không “thoáng” như những người trẻ. Trong khi, khán giả đa phần là người trẻ và đạo diễn chính là người chịu trách nhiệm trước khán giả nếu họ làm không hay…

Hội đồng cũng có người trẻ chứ. Các đạo diễn, quay phim, nhà lý luận phê bình đều trẻ đấy chứ (Nguyễn Thanh Vân, Ngô Phương Lan chẳng hạn...). Nhưng nói chung, nghệ thuật là vô cùng, các đạo diễn làm mà tự thấy được, thấy hài lòng thì hội đồng người ta cũng thấy vậy thôi. 

Kịch bản của bà có “mạnh tay” đi sâu vào những cảnh “nóng”?

Tôi thuộc tuýp cổ điển và lớn tuổi rồi nên thích viết kín đáo theo kiểu Á Đông hơn. Tôi thích những gì sâu lắng, nhẹ nhàng, hóm hỉnh và “gợi”. Thoại có chao chát đến mấy nhưng cũng phải hay chứ không được thô. Tôi muốn người xem cảm nhận được điều mà các nhà làm phim muốn gửi gắm.

Trong hàng núi công việc của các dự án phim, bà lấy đâu ra thời gian viết kịch bản?

Tôi tranh thủ viết vài trang ở cơ quan (Hội Điện ảnh), cóp vào USB rồi về nhà viết tiếp. Cứ “lang thang” hết ở nhà rồi đến cơ quan như thế. Một tuần, tôi chỉ đến văn phòng hãng vài buổi để xử lý công văn giấy tờ, còn lại là làm việc ở nhà. Khi nào cần thì điện thoại. Công văn hay bài vở gì cần thì gửi qua mạng. Bàn bạc kế hoạch hay trao đổi gì với nhà tổ chức sản xuất  các dự án của hãng đã có email, có điện thoại. Thật tiện.

Không phải cứ đến ngồi văn phòng 8 tiếng hay liên tục xông ra trường quay, lẵng nhẵng theo “hầu” đạo diễn mới chứng tỏ là sâu sát, mới là “làm việc”! Cái chính là hiệu quả công việc đến đâu.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Thắng (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục