COP28 quyết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch

Ngày 10-6, ông Sultan Al-Jaber, Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), khẳng định quyết tâm cắt giảm nhiên liệu hóa thạch tại một hội nghị về khí hậu ở Bonn, Đức.
Biến đổi khí hậu khiến Tây Ban Nha có mùa xuân nóng nhất lịch sử
Biến đổi khí hậu khiến Tây Ban Nha có mùa xuân nóng nhất lịch sử

Đảm bảo an ninh năng lượng

COP28 được tổ chức từ ngày 30-11 đến ngày 12-12 tại Trung tâm triển lãm Expo City Dubai (UAE).

Theo ông Al-Jaber, việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai “các giải pháp thay thế phi carbon”, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận cũng như năng lực tài chính.

Ông nhấn mạnh lộ trình của hội nghị COP28 gồm việc thực hiện mục tiêu toàn cầu từ nay đến năm 2030 là tăng gấp 3 đóng góp của năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng và thị phần của hydro sạch.

Trước đó, tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch COP28 đã ký một thông cáo báo chí với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng 5, trong một bài phát biểu khác tại Petersberg (Đức), ông Al-Jaber cũng tuyên bố “phải có một lộ trình bắt buộc là loại bỏ khí thải từ nhiên liệu hóa thạch”.

Theo ông Abdullah bin Zayed, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kiêm Chủ tịch Ủy ban cấp cao chịu trách nhiệm giám sát công tác chuẩn bị cho COP28, khi quyết định đăng cai tổ chức COP28, UAE quyết tâm dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển các sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề này từ giai đoạn cam kết sang khâu thực hiện bằng các hành động cụ thể.

Rủi ro khí hậu vẫn cao

Theo bản đánh giá Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), vừa công bố, gần như tất cả các nước trong nhóm 35 nước chiếm 4/5 lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn thế giới đều ghi điểm thấp về kế hoạch trung hòa khí thải carbon.

Phần lớn các nước đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ này mức phát thải ròng carbon bằng 0, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ hướng tới đạt mục tiêu này lần lượt vào năm 2060 và 2070. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 trong số 35 nước nói trên có luật định về mục tiêu cắt giảm khí thải này. Khả năng kìm hãm tốc độ ấm lên của Trái đất phụ thuộc phần lớn vào việc các nước có giữ vững và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không, tuy nhiên, rất khó đánh giá mức độ tin cậy của các kế hoạch này. Nếu các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của tất cả các quốc gia đều được thực hiện, mức nóng lên toàn cầu có thể ổn định trong phạm vi mục tiêu đề ra 1,5°C-2°C. Nhưng nếu chỉ tính các chính sách sẵn có và bỏ qua những cam kết có phần không rõ ràng, nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng ở mức 2,5°C-3°C.

Các nhà nghiên cứu áp dụng xếp hạng độ tin cậy để lập mô hình các kịch bản khác nhau về lượng khí thải trong tương lai và mức tăng nhiệt độ do lượng khí thải. Theo đó, nếu chỉ các kế hoạch phát thải ròng bằng 0 đạt mức tin cậy cao được bổ sung vào các chính sách đang được thực hiện, sự nóng lên toàn cầu dự kiến ở mức tăng 2,4°C vào năm 2100, vẫn cao hơn nhiều so với các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục