Cốt lõi là nhân lực

Khâu “săn đầu người” hoặc chuyển đổi tay nghề cho nhân lực tại chỗ cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) ráo riết thực hiện. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, cho biết, nguồn nhân lực cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất khan hiếm.
Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi người lao động đứng máy thường xuyên nâng cao tay nghề. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi người lao động đứng máy thường xuyên nâng cao tay nghề. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành này tại các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại DN. Thay vào đó, để nguồn nhân lực có thể tham gia dây chuyền sản xuất, DN phải đầu tư trung bình 1.000-1.500USD cho mỗi nhân công tập huấn lại toàn bộ kỹ năng vận hành trang thiết bị máy móc.

Do vậy, cùng với sự nỗ lực riêng của các DN, các đối tác cung ứng công nghệ, dây chuyền sản xuất thường có chính sách đào tạo công nhân, kỹ sư đi kèm. Điều này nhằm đảm bảo sau khi chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất cho DN, có nguồn nhân lực đủ chuẩn để có thể vận hành ngay. Do vậy, DN chuyển đổi số cần tận dụng “đặc quyền” này để nâng cao tay nghề cho đội ngũ.

Trong ngành tài chính - ngân hàng, nguồn nhân lực không chỉ đòi hỏi có chuyên môn về công nghệ mà còn phải có chuyên môn tài chính, nên càng khan hiếm. Không ít ngân hàng đã chọn giải pháp tuyển dụng nhân sự thông qua phương án tuyển dụng ứng viên từ nguồn… toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, thông qua chiến dịch thu hút nhân tài quốc tế, Techcombank tổ chức roadshow ở Singapore và London (Anh) để tuyển dụng nhân sự cao cấp. Khi đó, Techcombank gặp gỡ trực tiếp 40-50 ứng viên xuất sắc trong lĩnh vực dữ liệu, công nghệ, dịch vụ tài chính để chiêu mộ sang làm việc ở Việt Nam.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết: Ngoài chế độ đãi ngộ xứng đáng, Techcombank còn tạo điều kiện để họ kế thừa và phát triển những kinh nghiệm quốc tế sẵn có. Chúng tôi tạo môi trường làm việc tốt nhất cho những nhân sự tài năng tiếp tục phát triển bản thân, từ đó góp phần vào quá trình phát triển của Techcombank nói riêng cũng như ngành ngân hàng Việt Nam. Là một trong những ngân hàng chuyển đổi số thành công, Ngân hàng Quân đội xây dựng 2 trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo hiện đại ở TPHCM và Hà Nội, phục vụ công tác đào tạo nhân sự. Đến nay, các trung tâm này đã đào tạo tổng cộng 78.000 lượt học viên và nhân viên, đủ chuyên môn và năng lực làm việc trong kỷ nguyên số.

Có thể nói, về cơ bản, DN bắt tay chuyển đổi số cần có 4 yếu tố. Đầu tiên, gắn hoạt động chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Thứ hai, ưu tiên chuyển đổi số từ bộ phận đang tạo nguồn thu tài chính lớn và ổn định nhất. Thứ ba, xác định không có quy trình nào cố định mà sẽ được điều chỉnh, cập nhật liên tục để phù hợp với xu hướng phát triển. Thứ tư, DN có ý thức dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực phù hợp.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, đúc kết: Chuyển đổi số phải xuất phát từ quyết tâm của người đứng đầu DN, khi xem đó chính là lợi ích lâu dài đem lại sự phát triển bền vững cho đơn vị.

Tin cùng chuyên mục