Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM

Hôm nay 3-10, cử tri các quận 2, 9, Thủ Đức và cử tri 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận thể hiện ý kiến của mình về việc sáp nhập các đơn vị hành chính nơi cư trú (theo Đề án, Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019 - 2021) qua lá phiếu.

* Đúng 7 giờ sáng 3-10, tại 73 khu phố (là điểm đặt thùng phiếu) thuộc 12 phường trên địa bàn quận Thủ Đức đồng loạt tổ chức khai mạc tiếp nhận ý kiến người dân góp ý sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) thành đơn vị hành chính mới với tên là Thành phố Thủ Đức.

Trước đó, dù chưa tới giờ khai mạc nhưng nhiều người dân đã tới các điểm đặt thùng phiếu để  chờ bỏ phiếu.

Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 1 Xe tuyên truyền diễu hành qua các tuyến đường nhằm tuyên truyền về chủ trương sáp nhập 3 quận của Thành phố Thủ Đức
Lật giở tờ phiếu góp ý xem lại lần cuối trước khi bỏ vào thùng, ông Nguyễn Hữu Đàm (ngụ đường số 9, khu phố 4, phường Trường Thọ) cho biết, hôm nay ông đại diện gia đình đi bỏ phiếu. Gia đình ông Đàm có 5 thành viên đủ điều kiện được lấy ý kiến. Từ ngày 26-9, nhận phiếu lấy ý kiến từ tổ trưởng khu phố, bữa cơm tối nào gia đình ông cũng rộn ràng tiếng thảo luận về Thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 2 Cử tri quận Thủ Đức bỏ phiếu lấy ý kiến góp ý về nội dung sáp nhập 3 quận
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 3 Cử tri quận Thủ Đức bỏ phiếu lấy ý kiến góp ý về nội dung sáp nhập 3 quận thành đơn vị hành chính mới lấy tên là Thành phố Thủ Đức

Cả 5 thành viên trong gia đình ông đều phấn khởi khi tới đây sẽ là công dân của một thành phố hiện đại, hội tụ nhiều tiện ích và tiềm năng phát triển bậc nhất cả nước nên ai cũng tán thành việc TPHCM thành lập thành phố trong thành phố.

Đến 10 giờ sáng, không khí bỏ phiếu tại khu phố 3, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức vẫn rất sôi động. Ai cũng phấn khởi vì khi TP thành lập thành phố mới, người dân sẽ không mất gì mà được rất nhiều thứ, nhất là hạ tầng và môi trường sống.

Ông Lê Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thọ cho biết, ngoài tiếp nhận phiếu lấy ý kiến tại trụ sở các khu phố, phường Bình Thọ cũng chuẩn bị một số thùng phiếu nhỏ để cán bộ trực tiếp tới nhà những hộ dân không thể đi bỏ phiếu vì lý do đau bệnh.

Theo quận Thủ Đức, tính đến nay, quận đã phát ra 60.371 phiếu với 196.730 cử tri. Tính đến 11 giờ ngày 3-10, toàn quận đã có 47.071 hộ đã bỏ phiếu (đạt 78%).

* Tại quận 9, công tác thu phiếu lấy ý kiến tại nhà dân đã diễn ra từ ngày 26-9. Đến hôm nay 3-10, các tổ công tác đi thu những gia đình còn lại và tiến hành kiểm phiếu. Tuy không bỏ phiếu tập trung, nhưng niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi được đóng góp một phần ý kiến của mình vào đề án quan trọng của TP cũng được thể hiện khá rõ nét.  

“Gặp nhau, câu cửa miệng mấy ngày nay bà con hay dùng để chào nhau là hỏi đã bỏ phiếu chưa, đồng ý hay không đồng ý. Bản thân tôi nghe vậy cũng mừng, chứng tỏ người dân rất quan tâm đến chủ trương của TP”, ông Phạm Quốc Tài, Bí thư Chi bộ Khu phố 2, phường Phú Hữu, quận 9 cho biết.

Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 4 Tổ công tác khu phố 2, phường Phú Hữu tới tận nhà dân để tiếp nhận phiếu lấy ý kiến góp ý của người dân

Ngoài thu phiếu theo quy định, ông Phạm Quốc Tài còn cầm theo cuốn sổ ghi chép kỹ lưỡng những ý kiến mà người dân không thể hiện được hết trong tờ phiếu. Ngoài thống nhất tới chủ trương sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức, một số cư dân phường Phú Hữu như bà Phan Thị Mai (ngụ đường Bưng Ông Thoàn) và ông Đặng Ngọc Quang (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh) cùng đề xuất TP lấy tên thành phố mới là Thành phố Sài Gòn. Đây cũng là đề xuất của ông Đồng Văn Giới (ngụ Khu phố 3, phường Bình Khánh).

* Gần 21.000 cử tri của phường 2 và phường 3 (quận 10) được lấy ý kiến về việc sáp nhập hai phường để thành lập phường mới (đề xuất lấy tên là phường 2). Công tác tuyên truyền đã được các địa phương thực hiện từ nhiều ngày trước, và vẫn tiếp tục được thực hiện trong hôm nay.

Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 5 Xe của UBND phường 2 (quận 10) tuyên truyền về sáp nhập đơn vị hành chính

Từ 6 giờ 30 sáng 3-10, UBND phường 2 và UBND phường 3 (quận 10) đã tổ chức 2 xe ô tô, 5 xe gắn máy chạy trên các tuyến đường trên địa bàn, phát thông tin tuyên truyền đến cử tri về sự cần thiết sáp nhập các đơn vị hành chính, phương án sáp nhập, quyền và nghĩa vụ của cử tri, thời gian, địa điểm bỏ phiếu…

Các chuyên viên của Phòng Nội vụ quận 10 cũng có mặt tại 8 điểm bỏ phiếu ở hai phường trong suốt thời gian cử tri bỏ phiếu (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối) để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ trong trường hợp có vấn đề phát sinh.

Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 6 Cử tri Khu phố 2, phường 2 (quận 10) bỏ phiếu thể hiện ý kiến về việc sáp nhập phường
7 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Ngoan (ngụ 107 lô X, Chung cư Ngô Gia Tự, quận 10) đã có mặt tại địa điểm lấy ý kiến cử tri khu phố 2, phường 2 (quận 10), bỏ lá phiếu vào thùng phiếu.
Bà Ngoan cho biết, 7 người trong hộ gia đình bà đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập phường 2 và phường 3 để thành lập phường mới, vì đây là chủ trương lớn của Nhà nước. Việc sáp nhập này đã được các thành viên trong gia đình thảo luận từ nhiều ngày trước, và thể hiện sự đồng ý qua lá phiếu mà bà thay mặt gia đình bỏ vào thùng phiếu hôm nay.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 7 Cử tri Khu phố 3, phường 2 (quận 10) bỏ phiếu vào thùng phiếu
Tương tự, bà Ngô Thị Kim Cúc (63 tuổi, ngụ 236/2 Hòa Hảo, phường 3, quận 10) cũng đồng tình với chủ trương sáp nhập hai phường. Tuy chỉ mới nhận phiếu lấy ý kiến cách đây hơn một tuần nhưng bà đã có quyết định đối với việc này từ trước do đã được thông tin về chủ trương và hôm nay bà bỏ lá phiếu để chính thức thể hiện ý kiến của mình.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 8 Đông đảo cử tri Khu phố 2, phường 3 (quận 10) thể hiện ý kiến về việc sáp nhập phường qua lá phiếu
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức; từ đó chọn được những người có tâm, có năng lực để phục vụ người dân tốt hơn”, bà Cúc bày tỏ.

* Sáng 3-10, đông đảo cử tri trên địa bàn phường 12, quận 4 (TPHCM) đã đến các điểm đặt thùng phiếu trên địa bàn phường để bỏ lá phiếu có ý kiến của mình cho việc sáp nhập phường 12 và 13.

Có mặt rất sớm tại điểm bỏ phiếu của khu phố 4, phường 12 (quận 4), bà Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ tổ 30, cho biết gia đình bà ủng hộ việc sáp nhập 2 phường.
“Điều tôi còn lo ngại là sau sáp nhập các loại giấy tờ sẽ được địa phương hỗ trợ ra sao. Bởi gia đình tôi ai cũng phải đi làm trong các giờ hành chính”, bà Trang cho biết trong tổ của bà, nhiều người cũng lo sẽ gặp khó khi giao dịch với ngân hàng khi chưa kịp chuyển đổi giấy tờ.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 9 Tại điểm bỏ phiếu, cán bộ tổ kiểm phiếu giải thích những thắc mắc của người dân
Thay mặt gia đình gồm 7 thành viên đi bỏ lá phiếu thuận, chị Nguyễn Thị Diễm My (ngụ tổ 31, khu phố 4, phường 12, quận 4) cho rằng khi Đảng, Nhà nước đưa ra một chủ trương đúng thì dân không cớ gì phản đối. Bản thân chị và gia đình rất đồng tình với việc sáp nhập 2 phường để giúp bộ máy hành chính giảm tải. Thông qua loa phát hàng ngày tại trụ sở khu phố, chị hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của chủ trương này.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 10 Cử tri bỏ phiếu tại khu phố 3, phường 5, quận 4
Để tạo thuận lợi cho người dân, UBND phường 12 đặt 4 thùng phiếu tại các điểm trong khu dân cư để cử tri đến bỏ phiếu. Tại nơi đặt thùng phiếu, đều có các thành viên trong tổ kiểm phiếu túc trực để hướng dẫn cách bỏ phiếu cũng như giải thích những thắc mắc của cử tri. Để phòng dịch Covid-19, trước khi bỏ phiếu, cử tri thực hiện sát khuẩn tay bằng nước rửa tay khô.
Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 11 Thực hiện kiểm tra và niêm yết thùng phiếu
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại mỗi phường sáp nhập đều có ít nhất 4 điểm đặt thùng phiếu để thuận tiện cho người dân đến cho ý kiến. Tất cả các điểm được trang trí cờ, hoa và niêm yết danh sách cử tri cũng như cắt cử cán bộ để giải thích khi người dân có thắc mắc.

* Tại phường 12 và phường 15 (quận 5), ngay từ sáng sớm 3-10, các tổ lấy ý kiến cử tri đã tỏa đi các nhà dân để nhận phiếu ý kiến. Mỗi phường có 5 tổ lấy ý kiến, tương ứng với 5 khu phố. Ngay sau khi có kế hoạch triển khai chủ trương sáp nhập, hai phường đã nhanh chóng niêm yết danh sách cử tri, tổ chức các hội nghị tại khu dân cư để tuyên truyền chủ trương này.

Tại phường 12, đến khoảng 9 giờ sáng, các phiếu ý kiến đã được tập hợp về UBND phường tiến hành thống kê, kiểm đếm bước đầu. Ông Trần Thiện Tâm, Trưởng ban vận động khu phố 5 cho biết, khu phố 5 có tất cả 8 tổ dân phố, với 205 hộ, với 936 người. Theo ghi nhận bước đầu, các ý kiến cử tri trên địa bàn đa số đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập và tên phường mới dự kiến là phường 12.

Cử tri bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính tại TPHCM ảnh 12 Kiểm phiếu tại UBND phường 12, quận 5, sáng 3-10-2020. Ảnh: MAI HOA
Tại phường 15, các tổ lấy ý kiến cũng khẩn trương tới nhà dân để nhận phiếu ý kiến. Với hơn 10.000 người được lấy ý kiến lần này, UBND phường đang tích cực ghi nhận ý kiến và tiến hành kiểm đếm bước đầu.

Theo chủ trương sáp nhập, phường 12 và phường 15 sẽ được sáp nhập thành đơn vị hành chính mới, với tên dự kiến là phường 12. Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới này sẽ có diện tích tự nhiên 0,571 km2 và dân số hơn 17.300 người. Trước khi sáp nhập, phường 12 có diện tích 0,379km2 và dân số hơn 6.300 người, trong khi phường 15 có diện tích 0,192km2 với dân số hơn 11.900 người.

* Cầm trên tay lá phiếu đánh dấu đồng thuận với việc sáp nhập phường được các thành viên trong gia đình đánh dấu, ký tên, đến bỏ phiếu, bà Võ Thị Liên Hà, ngụ phường 12, quận Phú Nhuận còn băn khoăn sau sáp nhập, đổi tên phường thì việc chuyển đổi các loại giấy tờ của người dân sẽ được hỗ trợ ra sao “2 thành viên trong gia đình tôi sẽ hết hạn chứng minh nhân dân vào tháng 11-2020. Vậy chúng tôi nên đi đổi giấy tờ ngay bây giờ hay chờ sau khi sáp nhập? Nếu đổi sau thì trong thời gian giấy tờ hết hạn chúng tôi phải thực hiện các giao dịch dân sự như thế nào? Còn nếu đổi trước thì phải mất công làm lại giấy tờ thêm lần nữa sau khi sáp nhập”, bà Hà trăn trở. Thắc mắc này của bà cũng được cán bộ tổ kiểm phiếu giải thích, hướng dẫn cặn kẽ.

Theo Đề án, Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019 - 2021, các quận 2, 9, Thủ Đức được sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là Thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm (dự kiến tên gọi mới là phường Thủ Thiêm), nhập phường Bình Khánh và Bình An (dự kiến gọi là phường An Khánh); quận 3 nhập phường 6, 7, 8 (dự kiến gọi là phường Võ Thị Sáu); quận 4 nhập phường 2 và 5 (dự kiến thành phường 2), nhập phường 12 và 13 (thành phường 13); quận 5 nhập phường 12 và 15 (thành phường 12); quận 10 nhập phường 2 và 3 (thành phường 2); quận Phú Nhuận nhập phường 11 và 12 (thành phường 11), nhập phường 13 và 14 (thành phường 13).

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TPHCM giảm từ 24 quận huyện còn 22 (gồm 16 quận, 1 thành phố, 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Tin cùng chuyên mục