Cửa hàng cũng lấn vỉa hè

Đủ kiểu lấn chiếm vỉa hè
Cửa hàng cũng lấn vỉa hè

Sau khi Báo SGGP ngày 8 và 9-10-2013 đăng loạt bài “Vỉa hè bị chiếm dụng”, phản ánh tình trạng bùng phát nạn chiếm dụng vỉa hè tại TPHCM để bán quán, làm bãi giữ xe máy, nhiều bạn đọc Báo SGGP bức xúc phản ánh thêm: Người chiếm dụng vỉa hè để buôn bán không chỉ là người ít vốn bán hàng rong nhỏ lẻ, mà có cả những hộ kinh doanh có cửa hàng kinh doanh cố định, có đóng thuế.

Một cửa hàng bán quần áo, túi xách thời trang ở đường Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình, TPHCM) bày hàng lấn chiếm vỉa hè.

Một cửa hàng bán quần áo, túi xách thời trang ở đường Cách Mạng Tháng Tám (Tân Bình, TPHCM) bày hàng lấn chiếm vỉa hè.

Đủ kiểu lấn chiếm vỉa hè

Không chỉ những người bán hàng rong và tiểu thương chợ tự phát chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, dọc tuyến đường Tô Hiến Thành (quận 10), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10, quận Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 5)… có nhiều cửa hàng thời trang, trái cây, quán ăn… ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để bày bán, thậm chí lấn xuống lòng đường. Mỗi tối, tuyến đường Tô Hiến Thành, đoạn từ Sư Vạn Hạnh nối dài tới Cách Mạng Tháng Tám, gần giống chợ đêm. Ông Nguyễn Văn Mẫu, ngụ tại Tô Hiến Thành, quận 10 bức xúc: “Người ta đổ ra vỉa hè buôn bán, bất chấp pháp luật khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. Người lớn tuổi sống quanh khu vực này không có chỗ đi bộ vì lề đường bị chiếm dụng, buộc phải đi xuống lòng đường, rất dễ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông”.

Tương tự, toàn bộ vỉa hè dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sỹ (quận 3) đã bị biến thành nơi bày bán hàng trên xe đẩy của những người kinh doanh quần áo, bóp, ví da, nón bảo hiểm… Các điểm buôn bán di động này hoạt động ngay trước những cửa hàng thời trang kinh doanh lâu năm. Từ đó, tạo ra cảnh buôn bán chen lấn, xô đẩy, bát nháo. Người đi mua sắm không thể nào vào mua trong các cửa hàng. “Sản phẩm vỉa hè cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cửa hàng làm chúng tôi buôn bán ế ẩm”, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang, chủ cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) bức xúc. Để đối phó, nhiều hộ kinh doanh cũng dọn hàng từ trong cửa hàng mang ra bày bán trên vỉa hè trước cửa hàng của mình. Do vậy, nhiều người đang chiếm dụng vỉa hè lại chính là chủ cửa hàng kinh doanh có đóng thuế hẳn hoi.

Thực trạng này phổ biến đến mức nhiều cán bộ trật tự đô thị thừa nhận: “Đó là chuyện thường ngày, ai cũng biết”. Chẳng hạn, một cửa hàng chuyên doanh quần áo thời trang, túi da (gần đoạn Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai) dựng nhiều cây treo túi xách ra hết vỉa hè giống như một quầy sạp trong chợ. Một cửa hàng khác chuyên về nón bảo hiểm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cũng trưng hàng trăm nón bảo hiểm ra sát lòng đường. Khi chập choạng tối, các shop thời trang cắt cử nam thanh niên xông ra lòng đường bắt khách, trông rất phản cảm, gây mất an toàn giao thông.

Xử lý chưa quyết liệt

Trả lời thắc mắc của bạn đọc về việc có hay không tình trạng bao che các cửa hàng kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, ông Nguyễn Phúc Hiệp, Chủ tịch UBND phường 13 quận 10, khẳng định: “Không có chuyện này. Những người buôn bán, kinh doanh bát nháo trên vỉa hè đa phần thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không phải đóng thuế. Chúng tôi đang có kế hoạch sắp xếp lại nơi buôn bán cho những đối tượng khó khăn; đồng thời cũng đề xuất rút giấy phép kinh doanh các hộ có đóng thuế nhưng cố tình lấn chiếm lòng lề đường nhiều lần”. Thế nhưng, bạn đọc phản ánh thực tế nhiều người chiếm dụng vỉa hè chính là chủ hộ kinh doanh và chưa bị xử lý nghiêm. Chẳng hạn, trường hợp quán ốc đối diện cây xăng Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10), gần đường Nguyễn Giản Thanh, thường xuyên lấn đường, gây ùn tắc giao thông tuyến Tô Hiến Thành - Nguyễn Giản Thanh, nhưng hầu như chỉ bị nhắc nhở, khiển trách.

Tại nhiều địa bàn khác ở TPHCM cũng phổ biến tình trạng các cửa hàng kinh doanh có địa chỉ rõ ràng, thuộc diện chịu thuế, lại chiếm dụng lề đường, nhưng chưa bị xử phạt hoặc bị xử phạt quá nhẹ khiến dư luận bức xúc. Hàng loạt cửa hàng kinh doanh nón bảo hiểm gần Trường Đại học Sài Gòn (phía Nguyễn Trãi, quận 5) bày bán nón bảo hiểm ra vỉa hè nhưng vẫn chưa bị xử lý. Thời gian gần đây, nhiều hộ kinh doanh tại phường 3 (Nguyễn Trãi, quận 5) khiếu nại lên UBND phường về việc điểm bán vỉa hè xâm hại quyền buôn bán, ảnh hưởng doanh thu. Theo ghi nhận từ đầu tháng 10 tới nay, một số cửa hàng kinh doanh trên tuyến đường này cho người khác mở điểm bán di động trước cửa hàng của mình để thu tiền.

Một người kinh doanh tại vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết: “Không ai dại gì cho người lạ đứng trước cửa hàng của mình bán hàng rẻ, cạnh tranh trực tiếp với hàng của mình. Mỗi tháng, tụi tui phải chi 400.000 - 500.000 đồng cho cửa hàng để được đứng bán ở lề đường, chấp nhận cảnh bấp bênh nếu bị lực lượng trật tự đô thị bắt”. Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chủ tịch UBND phường 3 thừa nhận đó là chuyện có thật và khẳng định: “Nếu phát hiện có sự cấu kết giữa cửa hàng kinh doanh với những người bán hàng vỉa hè, chúng tôi sẽ phạt mạnh tay, không có chuyện giơ cao đánh khẽ. Việc lập lại trật tự, làm sạch đẹp tuyến đường Nguyễn Trãi đang được chúng tôi triển khai  thường xuyên, ráo riết”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục