Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo nhiều việc làm

Cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo nhiều việc làm
  • Tăng cường trách nhiệm từng địa phương quản lý giá, xử lý tin đồn thất thiệt
Cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo nhiều việc làm ảnh 1

Sản xuất giày dép xuất khẩu của Công ty Bitas. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 10-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với 5 tỉnh, TP phía Nam là Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Thuận và Kon Tum về thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008.

Báo cáo của 5 địa phương tại cuộc giao ban cho thấy, 5 tháng qua, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của các địa phương này cao hơn mức trung bình của cả nước. Với thế mạnh về vị trí địa lý, các tỉnh đã đạt kim ngạch xuất khẩu khá cao (tương đương hoặc vượt cùng kỳ năm ngoái). Cả 5 tỉnh thành này đều khẳng định sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng như cả nước, các tỉnh đang gặp một số khó khăn trong phát triển. Ví dụ như trên địa bàn các tỉnh này, giá xi măng tăng 1,5 lần; giá phân bón cũng tăng cao; tiêu thụ cá tra, ba sa gặp khó khăn…

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, nhất là về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra rằng, nhiệm vụ của các tháng còn lại là hết sức nặng nề trong khi tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các tỉnh phải hết sức đồng lòng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lãnh đạo các tỉnh, TP phải chỉ đạo quyết liệt hoàn thành kế hoạch đã đề ra cùng với cả nước bảo đảm tăng trưởng GDP 7% trong năm nay, kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các tỉnh thành phát triển, nhất là để đẩy mạnh sản xuất. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản là thế mạnh của ĐBSCL, trong đó Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ là những tỉnh, TP có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của cả nước, vì vậy phải hết sức chú ý việc sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp, có thể cho phép chậm nộp thuế hoặc giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp xuất khẩu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh hết sức chú ý thúc đẩy đầu tư. Quyết liệt thực hiện các dự án cấp thiết sau khi đã rà soát, cắt giảm, đình hoãn những dự án chưa cấp thiết.

Liên quan đến vấn đề được người dân quan tâm chặt chẽ trong thời gian qua là giá cả, Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh, TP phải quản lý chặt chẽ giá cả, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, tránh không để xảy ra sự cố sốt giá do tin đồn thất thiệt. Dẫn lại vụ sốt giá gạo trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, việc để giá gạo tăng như vậy, các địa phương cần nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của mình. “Các đồng chí đều biết chúng ta dư gạo, vậy mà vẫn để giá gạo tăng. Đó là do đầu cơ. Vậy thì các đồng chí phải thấy trách nhiệm của mình, không thể đổ lỗi cho Chính phủ được” - Thủ tướng nói. Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ không chủ trương xây dựng hệ thống phân phối quốc doanh, vì vậy các bộ ngành, địa phương cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống phân phối của doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Tại cuộc giao ban, Thủ tướng cho phép tạm ứng 13 tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm hạng mục còn lại của công trình cảng Phú Quý giai đoạn 2 tại tỉnh Bình Thuận. Với báo cáo của tỉnh Cà Mau về việc giá phân bón DAB cao, Thủ tướng cho rằng địa phương nên sử dụng các sản phẩm thay thế, giá thấp để giảm chi phí cho nông dân. Về tiêu thụ cá tra, ba sa, Thủ tướng yêu cầu điều tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi ép giá nông dân, đồng thời lập quỹ để hỗ trợ người nuôi cá.

Q.Phương

Tin cùng chuyên mục