Các ngành chức năng đang quyết liệt ra tay ngăn chặn thực phẩm bẩn, phát hiện và xử lý nhiều vụ sản xuất, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm bẩn như thịt heo thối, chân gà vịt và nội tạng quá hạn, heo sữa thối, nuôi heo có chất cấm... Mặc dù vậy, thực phẩm bẩn vẫn xuất hiện trên thị trường tết, vẫn hiện diện trên bàn tiệc cơ quan, bữa cơm gia đình.
Mới đây, tôi đi dự tiệc cưới ở quận 8. Trên các bàn tiệc có món ăn bị nhiều người “dị ứng” là heo sữa quay. Nhìn món heo sữa vàng rộm bắt mắt, nhưng khi gắp một miếng ăn thử mới thấy lạ, thịt mềm như bánh bao, không có độ dai của thịt, độ giòn của da và vị heo sữa quay quen thuộc. Một ông khách ngồi trong bàn phải thốt lên: “Coi chừng heo sữa Trung Quốc!”. Vài người khác cũng thử và cảnh giác bỏ đũa. Chưa hết, món chân vịt rút xương sao có vị the the đến lạ. Món cuối cùng là lẩu thập cẩm với đầy đủ tôm, cá, nội tạng heo, trông khá hấp dẫn, nhưng cũng bị…ế. Không ai dám nói nhà hàng mua thực phẩm bẩn, nhưng ăn thấy khác thường nên ai cũng cảnh giác. Một người rành rẽ chuyện đặt tiệc nói: “Thời thực phẩm bẩn tràn lan, khi đặt tiệc nên tránh những món “nhạy cảm” như có nội tạng động vật, chân gà vịt hay heo sữa. Nhiều nhà hàng cạnh tranh giảm giá thành nên mua nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ”.
Ở xóm tôi, mỗi sáng vẫn có một chị gánh đến bán đủ thứ thực phẩm, từ quả cà pháo muối, con cá, miếng thịt, nải chuối, bó rau… Nhiều bà nội trợ mua thực phẩm của chị bán, bởi lẽ không phải mất công chạy xe ra chợ hay vô siêu thị xếp hàng rồng rắn, và đặc biệt là giá cả khá dễ chịu. Có lần tôi tò mò ra xem, thấy không an tâm. Thịt heo đỏ au, mỡ ít, nạc nhiều. Còn thịt gà đã chặt nhỏ, không bao bì, nhãn mác gì cả. Không dám khẳng định chị ấy bán thực phẩm bẩn, nhưng nhớ đến những khuyến cáo của các cơ quan chức năng phát trên đài báo hướng dẫn cách so sánh thịt có chất tạo nạc và thịt sạch, thì thấy phân vân quá!
Có thể nói thực phẩm bẩn “khó có cửa” để vào các siêu thị lớn. Nhưng “lối nhỏ là lối an toàn” nên thực phẩm bẩn vào chợ truyền thống, vào các hàng gánh thức ăn vỉa hè, vào các quán nhậu bình dân. Cuối năm, ăn nhậu, liên hoan rầm rộ nên thực phẩm bẩn có dịp tung hoành. Các cơ quan thú y hay quản lý thị trường phát hiện, ngăn chặn chỉ được một phần, do vậy, ý thức của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn sự tồn tại của thực phẩm bẩn. Khi có ý thức nói “không” với thực phẩm bẩn, người tiêu dùng thẳng thừng tẩy chay các thực phẩm không nguồn gốc, không nhãn mác, tránh mua và ăn thực phẩm bán ở lề đường, bán rong. Khi không tiêu thụ được, thực phẩm bẩn tự khắc sẽ hết đường sống.
TRẦN HOÀN LÊ
(quận Tân Bình, TPHCM)