Lượng thép tồn kho lớn

Cung đã vượt cầu?

Cung đã vượt cầu?

Trong mấy ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục báo động về tình trạng thép tồn kho với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo một số quan chức ngành thép, lượng tồn kho như hiện nay chưa đến mức báo động.

  • Các công trình xây dựng giảm tiến độ

Những số liệu từ Bộ Thương mại cho thấy, trong những tháng đầu năm, lượng thép thành phẩm nhập khẩu trên 1,6 triệu tấn, trong khi lượng thép sản xuất trong nước của các doanh nghiệp cũng “hòm hòm” số lượng này. Số lượng thép xây dựng đang tồn kho ước khoảng 240.000 tấn. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng, lượng thép tồn như vậy quả có nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chưa phải đến mức báo động.

Cung đã vượt cầu? ảnh 1

Kinh doanh sắt thép tại một cửa hàng ở đường Lý Thường Kiệt quận Tân Bình, TPHCM.  Ảnh: ĐỨC THÀNH

Đánh giá của ông Sơn bắt nguồn từ mức tiêu thụ của những năm trước và tập quán tiêu dùng chung. Trước hết, trong số lượng thép nhập khẩu gọi là thép thành phẩm chỉ có khoảng 50% là thép xây dựng, còn lại thông thường là các loại thép cán, thép tấm… Việc phát triển các ngành cơ khí lớn như thiết bị thủy công cho các nhà máy thủy điện, ngành công nghiệp đóng tàu triển khai hàng loạt các dự án đóng tàu lớn thì nhu cầu thép tấm, thép cán, các loại thép đặc chủng là rất lớn. Trong khi đó, các loại thép đặc chủng này trong nước sản xuất còn ít, một số nhà máy mới đưa vào hoạt động nên sản lượng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu.

Điều đáng nói là lượng thép xây dựng đang tồn trên 240.000 tấn, liệu có quá nhiều hay không. Trước hết, như đã nói trên, so với cùng kỳ thì lượng thép tồn như vậy là lớn vì năm ngoái cả nước bị sốt thép xây dựng. Còn năm nay, do nhu cầu xây dựng giảm nên lượng thép tiêu thụ không cao.

Thật ra, tại TPHCM, nhiều công trình xây dựng trọng điểm giảm tiến độ do thiếu vốn, việc gối nợ của các doanh nghiệp rất lớn chưa xử lý được nên chưa thể tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, do vậy khả năng tiêu thụ sắt thép và xi măng cũng chưa được đẩy mạnh. Một cán bộ của ngành giao thông cho biết, chỉ một công trình giao thông như cây cầu qua sông nối giữa quận 4 và quận 7 làm đã gần xong, dự kiến trước đây sẽ hoàn thành vào 30-4-2005, thế nhưng đến nay vẫn chưa xong và tiến độ thi công vẫn chậm khiến lãnh đạo TPHCM sốt ruột. Khi biết khối lượng vật tư cần để hoàn tất dự án là gần hai chục tỷ đồng, TPHCM cho biết sẵn sàng chi ứng trước khoản này để thúc đẩy tiến độ và đưa dự án vào hoạt động.

Thế nhưng, đơn vị thi công không chịu vì cho rằng dù được cấp thêm bấy nhiêu tiền cũng không giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân là do quá trình thi công, đơn vị đã phải vay vốn và mua nguyên liệu gối đầu, do đó nếu có một khoản tiền rót xuống thì ngân hàng sẽ “xiết” lại và số tiền ấy không đủ trả phần gối đầu trước đây để bên cung cấp nguyên liệu tiếp tục “đổ” thêm nguyên liệu vào. Nợ gối đầu trong xây dựng các công trình giao thông trên cả nước ước tính gần 25.000 tỷ đồng. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ vật tư nguyên liệu xây dựng, trong đó có thép chựng lại.

  • Bài toán giảm giá thành

Đồng thời với việc giảm nhu cầu trong nước, nhu cầu tiêu dùng thép của thế giới giảm, đặc biệt là Trung Quốc, khi nước này thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giảm tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là những chu kỳ cung cao hơn cầu rất đặc thù của ngành thép. Đối với ngành này, có những thời điểm cung cao hơn cầu nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, việc đầu tư khai thác quặng để sản xuất phôi thép bị đình trệ trong nhiều năm. Sau đó, khi thị trường tăng cao, lượng phôi thép thiếu sẽ tạo nên chu kỳ cung ít hơn cầu mới và tạo nên những cơn sốt giá, kích thích các doanh nghiệp đầu tư trở lại khai thác quặng và sản xuất phôi thép.

Trong chu kỳ lần này, dự báo chỉ là giảm nhẹ nhu cầu một thời gian ngắn và sẽ tăng trở lại, tuy không cao như trước. Thực tế trong mấy ngày hôm nay, giá phôi và thép thành phẩm đã rục rịch tăng trở lại từ các bảng chào giá của các nhà cung cấp thế giới. Đối với thị trường trong nước, vào thời điểm giá phôi thép và thép xây dựng giảm từ khoảng đầu quý 2-2004, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ nhập thép về khiến cho tổng lượng thép xây dựng trong cả nước tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Sơn, nhu cầu của cả nước mỗi năm cần khoảng 2,8 - 3,3 triệu tấn thép xây dựng, tính ra bình quân mỗi tháng tiêu thụ cũng trên 200.000 tấn. Như vậy, lượng thép tồn hiện nay chỉ cần có biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ trong 2 tháng là hết thì chưa phải là đã đáng lo (thường lượng thép tồn tương ứng 3 - 4 tháng tiêu thụ bình quân thì mới đáng lo).

Cũng trong mấy tháng qua, khi giá thép giảm, cung vượt cầu thì một số doanh nghiệp cũng đã giảm sản lượng nên thời gian tới tình trạng có thể cải thiện, đặc biệt khi bắt đầu vào mùa xây dựng trở lại và các địa phương tăng tốc thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm nhằm hoàn thành kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm (2001 - 2005). Vấn đề là, sản xuất thép trong nước (thép cán và xây dựng) có tổng sản lượng thiết kế khoảng 5 - 6 triệu tấn/năm, khả năng cung đang vượt cầu rất lớn, khả năng khai thác công suất thiết bị chưa hiệu quả.

Do vậy, bài toán tới đây chính là phải tìm mọi cách giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình lớn và vĩnh cửu, các doanh nghiệp ngành thép buộc phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh theo các tín hiệu của thị trường một cách sòng phẳng.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục