Cung đường Nam sông Hậu: Sức sống mới

Vùng đất ven sông Hậu chạy dài từ Cần Thơ ra tới biển Đông, gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, bao năm chịu phận vùng sâu gian khó, giờ bỗng bừng sáng nhờ một con đường mới đi qua, đó là quốc lộ 91C hay còn gọi là đường Nam sông Hậu.
Cung đường Nam sông Hậu: Sức sống mới

Vùng đất ven sông Hậu chạy dài từ Cần Thơ ra tới biển Đông, gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, bao năm chịu phận vùng sâu gian khó, giờ bỗng bừng sáng nhờ một con đường mới đi qua, đó là quốc lộ 91C hay còn gọi là đường Nam sông Hậu.

  • Khơi dậy sức sống nông thôn

Bắt đầu từ cuối đường Quang Trung (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đường Nam sông Hậu đi qua các địa phận Châu Thành (Hậu Giang), Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và điểm cuối tiếp giáp với TP Bạc Liêu, kết nối trở lại với QL1A. Chạy cặp bờ Nam sông Hậu, con đường này đi xuyên qua những vùng đất vốn dĩ đò giang cách trở. Nếu tính bằng đường sông, chiều dài từ TP Cần Thơ ra đến cửa biển Định An đã hơn 120km.

Trước khi có con đường này, từ huyện Long Phú, Cù Lao Dung hay Trần Đề, người dân muốn tới TP Cần Thơ phải đi qua TP Sóc Trăng và từ Sóc Trăng mới có đường về Cần Thơ. Từ nay, chỉ cần đi thẳng một mạch là đã về tới trung tâm TP Cần Thơ. Sự tiện lợi đó đã tạo ra niềm hân hoan cho người dân sống ven sông Hậu.

Có đường Nam sông Hậu, không phải đi vòng, đường ra Cần Thơ rút ngắn chỉ còn khoảng 13km. Đó cũng là thuận lợi đối với nông dân các huyện Kế Sách, Long Phú và các địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở Sóc Trăng.

Nhiều nhà vườn ở Nhơn Mỹ (Kế Sách), Song Phụng (Long Phú) cho biết, trước đây trái cây tiêu thụ chủ yếu bằng đường sông; kể cả nhà vườn tự chở đi bán hay thương lái vào mua. Đường xa, đi lại vất vả, tỷ lệ hao hụt cao nên thương lái mua giá thấp để... trừ vào các khoản chi phí này.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Song Phụng, nhận định: “Từ khi đường Nam sông Hậu hình thành, cơ hội giao thương mở ra rất rõ. Nhờ mua bán thuận lợi, trái cây có giá hơn trước nên giá trị đất vườn giờ đây tăng khoảng 15-20%”.

Dự án quốc lộ Nam sông Hậu

Dự án quốc lộ Nam sông Hậu do PMU Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, khởi đầu từ điểm nối với quốc lộ 91B tại TP Cần Thơ, chạy qua tuyến đường dẫn cầu Cần Thơ rồi đi dọc theo bờ Nam sông Hậu, băng qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, vượt cửa sông Mỹ Thanh, theo bờ biển Đông đi tới TP Bạc Liêu, điểm cuối của tuyến đường được nối với QL1A.

Trong tương lai, QL Nam sông Hậu kết hợp với QL60 sẽ tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn trong khu vực Tây Nam bộ giữa Sóc Trăng với TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang.

Cảng cá Trần Đề đã được nhà nước đầu tư từ năm 2000 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2002, giờ là một trong những cảng cá lớn của ĐBSCL. Khi có đường Nam sông Hậu, đã mở ra hướng đi mới cho cảng cá.

Bộ NN-PTNT đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá Trần Đề lên quy mô diện tích đất và mặt nước là 24,84ha.

  • Mở hướng phát triển

Đi ngược đường Nam sông Hậu từ TP Bạc Liêu đến Cần Thơ, chúng ta sẽ có dịp băng ngang cánh đồng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nổi tiếng bao đời.

Với người dân ĐBSCL, lâu nay nhắc đến Vĩnh Châu là nhắc đến vùng giồng cát ven biển heo hút. Tuy nhiên, giờ đây xe tải lớn đã vào tận ruộng để mua hành tím mà không gặp trở ngại nào về giao thông.

Qua khỏi Vĩnh Châu, đến huyện Trần Đề, trước mặt đã là cây cầu Mỹ Thanh sừng sững. Vùng đất này (Mỏ Ó) là nơi khởi nguồn nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL. Đứng trên cây cầu lớn nhất Sóc Trăng, có dịp chiêm ngưỡng cửa biển Mỹ Thanh lộng gió.

Cầu Mỹ Thanh 2 băng qua cửa biển Mỹ Thanh, nối huyện Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên của Sóc Trăng trên cung đường mới Nam sông Hậu. Ảnh: T.M.T.

Cầu Mỹ Thanh 2 băng qua cửa biển Mỹ Thanh, nối huyện Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên của Sóc Trăng trên cung đường mới Nam sông Hậu. Ảnh: T.M.T.

Dọc theo bờ Nam sông Hậu, ngược lên Hậu Giang, Cần Thơ, hàng loạt dự án công nghiệp đã và đang hình thành, mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này.

Ngày 5-1-2011 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, tổng công suất 1.200MW, do PVN làm chủ đầu tư tại xã Long Đức (Long Phú).

Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 cách cửa Đại Ngãi 1 km về phía hạ lưu, cách trung tâm TP Sóc Trăng 20km. Đây là nhà máy điện đốt than nằm trong dự án Trung tâm Điện lực Long Phú với quy mô công suất khoảng 4.400MW, bao gồm 3 nhà máy: Long Phú 1 (công suất 1.200 MW); Long Phú 2 (công suất 1.200MW) và Long Phú 3, công suất 2.000MW.

Trước đó, ngày 18-7-2010, tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã khởi công dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực sông Hậu - giai đoạn 1.

Trung tâm Điện lực sông Hậu có quy mô công suất khoảng 5.200MW (là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam đến nay, tổng diện tích khoảng 367ha). Gồm 3 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than: Sông Hậu 1 (2x600MW), Sông Hậu 2 (2x1.000MW), Sông Hậu 3 (2x1.000MW) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác được xây dựng theo quy hoạch điện VI.

Theo PVN, Nhà máy Điện Sông Hậu 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2011 và phát điện tổ máy thứ nhất vào cuối năm 2015, tổ máy 2 vào năm 2016.

Ngoài Trung tâm Điện lực sông Hậu, đoạn đường 8km qua địa bàn tỉnh Hậu Giang còn có nhiều dự án lớn đang triển khai với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đô la; các khu đất từ cảng Cái Cui về tới trung tâm TP Cần Thơ đã không còn chỗ trống. Ít ai ngờ rằng trên vùng đất lau sậy, thuần nông ngày nào dọc theo sông Hậu, nay lại nhộn nhịp và bừng bừng sức sống đến vậy

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục