Nhiều nội dung thiết thực
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức tập trung đông người được các địa phương hạn chế tối đa. Tuy nhiên, để không chậm trễ thi đua, các địa phương đã kịp thời ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện, phát động phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đại biểu đảng bộ các quận huyện, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cụ thể, đồng chí Đặng Thị Hồng Liên, Bí thư Quận ủy quận 9, đã ký kế hoạch và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận đến cơ sở lựa chọn công trình đăng ký và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, đúng thời hạn (theo 3 đợt: đợt 1 từ 15-3 đến 30-4, đợt 2 từ 1-5 đến 30-7 và đợt 3 từ 1-8 đến 23-9). Quận 9 chọn nhiều nội dung, trong đó tập trung thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, phấn đấu đến tháng 9-2020 giảm 75% tỷ lệ vi phạm xây dựng không phép, sai phép so với đầu tháng 6-2019.
Cùng với đó là triển khai quyết liệt các hoạt động của chủ đề năm 2020: “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Đến thời điểm hiện nay, đồng loạt các địa phương đã vào cuộc và phát động đến cấp cơ sở hưởng ứng đợt thi đua 200 ngày này. Trong đó, ngoài 4 nội dung “cứng” thực hiện theo phát động của TPHCM (thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, Chỉ thị 23-CT/TU, thực hiện chủ đề năm và thực hiện đề án đô thị thông minh), các địa phương đăng ký thêm nội dung, chương trình theo thực tế địa phương mình. Chẳng hạn, quận 7 đăng ký thêm nội dung hỗ trợ thúc đẩy dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.
Tại quận 2, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bùi Văn Phúc khẳng định, bên cạnh thực hiện 4 nội dung thi đua cấp thành phố, Quận ủy còn hưởng ứng đợt thi đua 200 ngày bằng nhiều nội dung thi đua cấp quận. Đó là kiện toàn, đổi mới bộ phận một cửa nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đảm bảo tiến độ khánh thành nhiều trường học trên địa bàn.
Ngoài ra, quận xác định đến tháng 9-2020 sẽ hoàn thành việc cải thiện 4 bãi đất trống, bãi rác lâu ngày tại các phường An Phú, Bình An, Cát Lái và Bình Trưng Tây thành vườn rau, vườn hoa; cải tạo khu đất trống tại phường Cát Lát thành sân chơi cho thanh thiếu nhi.
Hướng đến phục vụ người dân
Một điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết các nội dung thi đua đều hướng mục tiêu nâng cao đời sống cũng như phục vụ tốt nhất cho người dân. Đơn cử, trong thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, Quận ủy quận 9 chọn phường Phước Bình để thi đua xây dựng mô hình “Phường sạch và xanh, thân thiện”; đồng thời sẽ cải tạo mảng tường cũ trên đường Phan Chu Trinh (phường Hiệp Phú) thành bức tranh tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi.
Trong thi đua thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, quận 9 không chỉ tập trung giảm vi phạm xây dựng mà còn hướng đến giải quyết quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân. Cụ thể, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nhấn mạnh đến nhiệm vụ hướng dẫn việc xây nhà cho công nhân, người lao động thuê theo mô hình mới, do Sở Xây dựng TPHCM hướng dẫn, cấp phép.
Tương tự, tại quận 7, Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Diệu nhấn mạnh mục tiêu quan trọng của thi đua nhằm nâng cao đời sống, mức hưởng thụ và phục vụ người dân tốt nhất. Từ mục tiêu này, đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần thay đổi nhận thức, phong cách làm việc, tạo khí thế thi đua sôi nổi quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Tại quận Thủ Đức, một trong những điểm nhấn của đợt thi đua 200 ngày là việc Quận ủy Thủ Đức yêu cầu thi đua đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trong đợt phòng chống dịch Covid-19. |
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Thủ Đức, cho biết từ việc phát động của quận đã có nhiều công trình, hoạt động thi đua được đăng ký rất thiết thực, gắn với nhu cầu đời sống xã hội, cải thiện mỹ quan đô thị và tạo môi trường xanh sạch đẹp, như bê tông hóa, thảm nhựa vỉa hè, hẻm; làm mới hệ thống cống thoát nước; sửa chữa nhà tình thương cho hộ gia đình khó khăn… Chính điều này đã giúp phong trào thi đua lan tỏa và tạo hưởng ứng, đặc biệt từ các tầng lớp nhân dân cùng tham gia.