Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Hôm nay, trong buổi chất vấn cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Đây là một trong những hoạt động của Quốc hội được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, là cơ hội để Quốc hội, cử tri và nhân dân thấy được những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó việc chất vấn không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ. Với thời lượng 2,5 ngày, phiên chất vấn tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Hay nói cách khác, phiên chất vấn lần này thực chất là giám sát việc thực hiện “lời hứa”, cam kết trước Quốc hội, trước cử tri của các tư lệnh ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Thực tế 2 ngày chất vấn vừa qua cho thấy, đại biểu Quốc hội đã bám sát nhiều vấn đề thực tiễn, những câu chuyện mà cử tri, nhân dân quan tâm để chất vấn các thành viên Chính phủ.
Những câu chuyện nóng đã được đề cập ở nghị trường như đầu tư các tuyến đường cao tốc và những vấn đề xung quanh nó, từ việc giới hạn tốc độ tối đa còn bất cập, việc phân kỳ đầu tư có thể gây lãng phí với những tuyến cao tốc 2 làn xe, thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu làn dừng khẩn cấp; là câu chuyện tiền lương thấp, nhất là lương giáo viên; là những vướng mắc chưa thể giải quyết trong chi thường xuyên hay đầu tư công; là vấn đề quy hoạch treo, xử lý xả thải chưa đáp ứng yêu cầu…
Có thể nói, qua chất vấn, thực tiễn ngồn ngộn những bức xúc, tồn tại đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra, mổ xẻ, phân tích, từ đó đòi hỏi câu trả lời, cách giải quyết hiệu quả của các tư lệnh ngành.
Nét đặc biệt của lần chất vấn này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, theo từng thành viên Chính phủ mà theo lĩnh vực. Dễ dàng nhận thấy, có những lĩnh vực được đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn như giao thông vận tải, nội vụ, nội chính…
Điều đó cũng có nghĩa là, có những lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm với nhiều vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo; nhưng cũng có những lĩnh vực cử tri, nhân dân đã thấy rõ sự quyết tâm, quyết liệt của tư lệnh ngành trong thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri.
Qua chất vấn sẽ thấy có những bộ trưởng, trưởng ngành có “thâm niên” trong quản lý điều hành; có những tư lệnh ngành đảm trách nhiệm vụ chưa nhiều nhưng đều đã có những nỗ lực trong thời gian qua. Có những lời hứa, cam kết đã được bộ trưởng, trưởng ngành hiện thực hóa bởi những quyết tâm hành động, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những lĩnh vực với sự chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, chưa đáp ứng nguyện vọng của cử tri, của nhân dân. Dù ở mức độ nào thì điều quan trọng nhất của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đó là góp phần làm chuyển biến tích cực tình hình, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, vì lẽ đó phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này là dịp bộ trưởng, trưởng ngành nhìn nhận lại những gì mình đã làm được, chưa làm được theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri.
Mấu chốt của chất vấn là chỉ ra được những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém để cùng bàn bạc, giải quyết, giúp các bộ trưởng, trưởng ngành điều hành, quản lý tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cử tri và nhân dân.
Chất vấn không phải là “bới lông tìm vết”, cũng không phải dịp để “chấm điểm” các thành viên Chính phủ, mà chất vấn là để làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn; đưa ra được giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo sự chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.