Cuộc chiến chống tin nhắn rác

Tình trạng lừa đảo từ các cuộc gọi hoặc tin nhắn giả mạo các cơ quan tài chính như ngân hàng và các công ty bán hàng có chiều hướng gia tăng giữa lúc dịch Covid-19 kéo dài. Việc ngăn ngừa vấn nạn lừa đảo mọc lên như nấm sau mưa đòi hỏi chính phủ các nước phải nhanh chóng có đối sách.
Lừa đảo bằng tin nhắn rác ngày càng tinh vi hơn trong đại dịch
Lừa đảo bằng tin nhắn rác ngày càng tinh vi hơn trong đại dịch

Siết chặt thuê bao và hoạt động quảng cáo

Việc giãn cách xã hội, hạn chế gặp gỡ trực tiếp do đại dịch Covid-19 đã tạo sơ hở cho đối tượng xấu lợi dụng cuộc gọi điện thoại, tin nhắn rác lôi kéo người vay tiền hoặc đầu tư vào cổ phiếu. Tại Hàn Quốc, số lượng tin nhắn rác giả mạo ngân hàng từ 168.000 tin trong quý 1 đã tăng lên 293.000 tin trong quý 2 (khoảng 81%). Trước thực trạng này, Ủy ban Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông cùng Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông Hàn Quốc vừa công bố đối sách phòng ngừa tin nhắn rác.

Theo đó, trước tiên Chính phủ Hàn Quốc quyết định siết chặt việc hạn chế đăng ký thuê bao điện thoại cố định và điện thoại Internet. Sau đó, vào quý 1 năm sau sẽ sửa đổi điều lệ sử dụng dịch vụ của các công ty viễn thông, giới hạn số thuê bao điện thoại cố định và điện thoại Internet của mỗi cá nhân tối đa là 5 thuê bao, của doanh nghiệp là theo số lượng nhân viên. Nếu doanh nghiệp muốn đăng ký thêm thuê bao sẽ bị kiểm tra bổ sung. Không chỉ số điện thoại được sử dụng để gửi tin nhắn rác, mà tất cả số điện thoại thuộc sở hữu của cá nhân hay doanh nghiệp gửi tin nhắn rác cũng sẽ bị dừng dịch vụ.

Việc thực hiện nhiều hành vi quảng cáo, thương mại... cũng tiềm ẩn yếu tố lừa đảo. Thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo được phát tán thiếu kiểm soát khiến nhiều người cả tin hoặc người không đủ kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản. Hiện tượng hàng loạt tin nhắn từ các thương hiệu cũng xuất hiện. Lúc này, rất khó kiểm soát, kiểm duyệt, phân biệt thật giả đối với nguồn phát tin cũng như nội dung thông tin quảng cáo.

Trang Techradar ngày 29-10 đưa tin, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba Group Holding, JD.com, Meituan và Pinduoduo… để yêu cầu các trang web thương mại điện tử này ngừng gửi thư rác cho khách hàng trước Ngày Độc thân (11-11) sắp tới. Theo giải thích của MIIT, các nhà cung cấp thường lạm dụng nền tảng để tự ý gửi khuyến mại bằng tin nhắn (SMS) cho người dùng, và do đó vi phạm quyền của người tiêu dùng. Nói cách khác, họ sử dụng những thiếu sót của nền tảng để “spam” người dùng. Nhiều doanh nghiệp thuê người - gọi là “chăm sóc khách hàng”, thực chất là săn đón nhu cầu của khách. Khi việc này được thực hiện ngoài mong muốn, hơn cả nhu cầu của khách hàng, rõ ràng khách hàng đang bị làm phiền. MIIT yêu cầu các gã khổng lồ nên kiểm tra và sửa chữa các hoạt động tiếp thị bằng SMS qua điện thoại, đảm bảo rằng chỉ những người dùng đã đồng ý rõ ràng mới được liên hệ theo cách này.

Điểm yếu từ SMS

Đánh giá về xu hướng tội phạm mạng, các chuyên gia cho rằng nhóm ngành tài chính, ngân hàng, dịch vụ viễn thông... là các nhóm mục tiêu tấn công của tội phạm công nghệ cao với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Theo trang Scam Watch của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC), những trò lừa đảo được gọi hoặc nhắn tin qua điện thoại trong năm nay nhiều hơn so với những trò lừa đảo được gửi qua bất kỳ phương thức nào khác, bao gồm cả mạng xã hội hoặc email. Email vẫn là phương pháp rẻ nhất để phát tán các trò gian lận. Nhưng hầu hết dịch vụ email hiện nay đều cung cấp bộ lọc thư rác hiệu quả để chặn chúng. ACCC ghi nhận, có đến 13.191 vụ lừa đảo mua sắm trực tuyến từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, trong đó 35,6% vụ được xác định đã gây tổn thất tài chính. Mặc dù hầu hết các thiết bị di động đều có các tùy chọn để chặn hoặc lọc số, những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ tinh vi vẫn có thể gửi một lượng lớn tin nhắn SMS bằng cách tạo ra các số giả mạo để có vẻ hợp pháp hoặc để vượt qua việc chặn bởi bộ lọc tự động của điện thoại hay của chính người dùng.

Dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang tăng cường khả năng phát hiện lừa đảo qua SMS và thư rác, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm như lừa đảo qua email. Có lẽ điều này là do mức độ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. So với lừa đảo qua email, lừa đảo qua SMS trở thành một vấn đề dẫn đến những hậu quả tài chính trực tiếp và có thể nhìn thấy được. Theo dự đoán hồi tháng 8 của Robokiller - một dịch vụ sàng lọc trước các cuộc gọi đăng ký dành cho Android hoặc iOS, sẽ có 86 tỷ tin nhắn rác được gửi trong năm nay.

Ngoài việc thúc đẩy nhanh nghiệp vụ truy vết người gửi tin nhắn rác, Chính phủ Hàn Quốc sẽ gắn mã nhận dạng theo từng doanh nghiệp trong tin nhắn văn bản để có thể truy tìm người gửi tin nhắn rác một cách nhanh chóng hơn. Ủy ban Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông Hàn Quốc cần tối đa 2 ngày sau khi nhận tố giác về tin nhắn rác là có thể tìm ra và chặn người đã gửi tin, đồng thời cho biết sẽ cài đặt phần mềm tố giác nhanh tin nhắn rác trên điện thoại iPhone. Hiện tại, phần mềm này mới được cài đặt trên các điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh xử phạt người gửi tin nhắn rác. Hiện tại, người gửi các tin nhắn quảng cáo cho vay trái phép hay đánh bạc sẽ bị xử tối đa 1 năm tù giam hoặc đóng 8.500 USD, thời gian tới sẽ được nâng lên thành tối đa 3 năm tù giam hoặc đóng 25.600 USD.

Tin cùng chuyên mục