Họp mặt đại biểu phụ nữ miền Nam

Cuộc hội ngộ 30 năm của “Đội quân tóc dài”

MINH NGỌC
Cuộc hội ngộ 30 năm của “Đội quân tóc dài”

Sáng 29-3, quang cảnh Dinh Thống Nhất TPHCM nhộn nhịp hơn mọi ngày… Nơi đây không chỉ có các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mà còn có hơn 200 đại biểu đại diện cho hàng triệu phụ nữ của 33 tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Cà Mau về dự buổi họp mặt 30 năm “Đại biểu phụ nữ miền Nam”do Báo SGGP phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Công ty Dã ngoại Lửa Việt tổ chức. Sau 30 năm thống nhất đất nước, đây là cuộc hội ngộ đầu tiên diễn ra hết sức xúc động, vừa đầy ắp nụ cười, vừa có cả những giọt nước mắt của những người phụ nữ trong “Đội quân tóc dài” năm xưa…

Chị Hồ Việt Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nghẹn ngào: “Để có ngày hòa bình thống nhất đất nước hôm nay, gần 2 triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Không có giấy bút nào nói hết công lao to lớn của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước. Ở miền Nam, đã có 29.214 bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trong tổng số 44.301 bà mẹ VNAH của cả nước. Có mẹ có tới 11 đứa con hy sinh. Biết bao bà mẹ khác mất cả chồng lẫn con, để hôm nay phải sống vò võ một mình…”.

Cuộc hội ngộ 30 năm của “Đội quân tóc dài” ảnh 1

Đại biểu phụ nữ các tỉnh, thành phố tham dự họp mặt 30 năm phụ nữ miền Nam tại TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Vượt lên đau thương mất mát, các mẹ vẫn sống như những cây tùng, cây bách. Mẹ VNAH Mưk, 106 tuổi, người dân tộc Bana, đại biểu phụ nữ tỉnh Gia Lai là nhân vật nổi bật trong buổi hội ngộ xúc động này.

Mẹ là người lớn tuổi nhất, nhưng còn rất khỏe. Đi từ Gia Lai về TPHCM nhưng mẹ không hề say xe. Lúc nào mẹ cũng cười thật tươi để thay cho lời muốn nói.

Sống đã hơn một thế kỷ nay, từng chứng kiến bao đổi thay của đất nước, mẹ không giấu được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt khi nhìn thấy quê hương đất nước đổi mới.

Để có được hạnh phúc đơn sơ ấy, mẹ đã cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, từng giang tay nuôi giấu, che chở cho biết bao cán bộ. Tuy chỉ có đứa con trai duy nhất nhưng mẹ sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc.

Hôm nay, mẹ vẫn phụ các cháu cuốc rẫy, làm nương, nuôi gà, quét sân... Hỏi mẹ về TPHCM có thích không, mẹ gật đầu. Mẹ còn nhận xét: “TPHCM đẹp lắm. Đông người lắm. Khác hẳn quê mẹ đất rộng người thưa, nương rẫy mênh mông…” Mong ước hiện nay của mẹ là được chữa khỏi bệnh nặng tai để được nghe tiếng cười giòn giã và tiếng vỗ tay vang dội của con cháu dành cho mẹ.

Nghe mẹ nói, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP không cầm lòng, vội bàn với bà Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) quyết định tặng ngay cho mẹ một máy trợ thính để mẹ thỏa niềm ước mong.

Mẹ Đặng Thị Xuân Tiến, đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Nam, nguyên là cán bộ hoạt động suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ từng là Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Quảng Đà, rồi Hội Phụ nữ Liên khu 5… Năm nay đã 78 tuổi, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn. Mẹ tâm sự: “Tôi hoạt động cách mạng từ hồi chín năm. Tuy cơ sở cách mạng bị lộ, nhưng tổ chức vẫn yêu cầu tôi bám trụ hoạt động bí mật từ năm 1954 đến năm 1969.

Hỏi mẹ “bí quyết” nào giúp mẹ bám trụ lâu dài để hoạt động cách mạng, thậm chí nhiều lần thoát chết trong gang tấc? Mẹ bộc bạch: “Nhờ dân đùm bọc, che chở. Bản thân mình cũng phải lanh trí”. Mẹ rất vui nói: “Lần ni được vô Sài Gòn –TPHCM, thấy chỗ ngồi hồi xưa của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, sau giải phóng đã thua chạy. Được đi địa đạo Củ Chi xem bà con Sài Gòn đánh Mỹ từ dưới lòng đất và được gặp các đại biểu phụ nữ miền Nam trong buổi họp mặt này, tôi thấy thật mãn nguyện…”.

Chị Phạm Thị Việt Nga, dược sĩ, tiến sĩ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Chị từng chèo xuồng phân phối thuốc cho bộ đội. Năm 1972, chị được phân công vượt Trường Sơn ra Bắc học văn hóa. Sau ngày thống nhất đất nước, chị được cử đi học Đại học Y dược, rồi về Nam củng cố các trung tâm y tế Thốt Nốt, Châu Thành.

Năm 1988, chị được phân công về làm Giám đốc xí nghiệp liên hiệp dược Hậu Giang. Với bản tính không chịu khuất phục trước những khó khăn, chị Việt Nga đã vực dậy nhiều đơn vị đang đứng bên bờ vực phá sản. Hệ thống phân phối thuốc của Công ty Dược Hậu Giang giờ đây đã có mặt trên địa bàn cả nước với hơn 8.000 đại lý.

Năm 1996, Công ty Dược Hậu Giang được tuyên dương Anh hùng Lao động, trở thành một trong những ngọn cờ đầu về kinh tế của miền Tây Nam bộ và của ngành dược VN. Năm 2000, chị Việt Nga được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cuộc hội ngộ 30 năm của “Đội quân tóc dài” ảnh 2

Đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam tham quan Khu Du lịch Suối Tiên. Ảnh: MAI HẢI

Quả thật, chiến công của những Anh hùng thời kỳ đổi mới không kém gì chiến công của những Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến năm xưa. Anh hùng Lao động, tiến sĩ, bác sĩ Phan Kim Phương, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, Viện Tim TPHCM đã mổ gần 14.000 ca, trong đó tỷ lệ thành công đạt hơn 98%.

Trong gần 14.000 ca thì chị mổ hơn 6.000 ca. Như vậy là chị đã cứu được hơn 6.000 người, niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được. Chị khiêm tốn nói: “Đây là công việc của cả kíp mổ chứ một mình tôi không làm được”.

Trên lĩnh vực lao động sản xuất, chị Châu Thị Đỉnh, người dân tộc Chăm, một nữ nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định bản lĩnh vượt khó, đức tính cần cù chịu khó và tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ VN. Chị đã được cử đi dự đại hội nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi toàn quốc.

Với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất khô cằn của quê hương, chị đã đưa 20 ha đất hoang hóa đi vào sản xuất và hàng năm thu được hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 60 triệu đồng. Thấy chị em xung quanh còn nghèo, chị giúp vốn và tay nghề cho họ. Ai không có dầu, không có máy bơm thì chị cho mượn, chị em nào nghèo quá không có tiền trả thì chị … cho luôn. Chị báo tin vui: “Hồi trước phụ nữ Chăm khổ lắm, bây giờ đỡ rồi!…”.

Hơn 200 đại biểu phụ nữ là hơn 200 mảnh đời, chiến công khác nhau không thể nêu hết được. Đồng chí Hà Thị Khiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN khẳng định: “Đội quân tóc dài mãi mãi như một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, luôn phát huy tinh thần yêu nước “Thà chết chứ nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Xin mượn lời đồng chí Võ Văn Cương, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM để kết thúc bài viết: “Công lao của các mẹ, các chị là không gì sánh nổi. Thế hệ hôm nay và mai sau xin nguyện mãi mãi ghi ơn…”.

MINH NGỌC

 

Tin cùng chuyên mục