(SGGPO).- Sáng 25-11, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra lễ khai mạc cuộc triển lãm sách với chủ đề “Sự tinh tế song hành cùng trí thức”. Đây được xem là lần đầu tiên, những cuốn sách dạng ấn bản đặc biệt được xuất bản tại Việt Nam từ trước năm 1945 đến nay có dịp được trưng bày và giới thiệu ra mắt bạn đọc.
Triển lãm do Ban Điều hành Đường sách và Quán Sách Mùa Thu, một gian sách chuyên bán sách cũ, sách quý hiếm tại đường sách, phụ trách nội dung, với sự hỗ trợ của các nhà sưu tập uy tín.
Độc giả xem sách
Sách ấn bản đặc biệt là một dạng sách được in nhân một sự kiện, một hoạt động xuất bản đặc thù nào đó như ra mắt sách mới, kỷ niệm… Ấn bản đặc biệt do đó thường không tập trung vào giá thành mà hướng đến sự hoàn hảo cả về nội dung và hình thức như giới hạn trong một số lượng bản in rất hạn chế, in trên giấy tốt, đóng bìa cứng, ghi dấu riêng, đánh số thứ tự, có kèm chữ ký, triện son, thủ bút của tác giả và những phụ bản (tranh ảnh, tư liệu…) mà bản in thông thường không có.
Cá biệt, có trường hợp ấn bản đặc biệt không ghi giá bán như thường lệ mà được dành riêng cho tác giả và người làm sách để tặng những người thân quý hoặc có đóng góp đặc biệt cho sự ra đời của cuốn sách.
Với những đặc điểm này, các ấn bản đặc biệt luôn được các nhà sưu tập cũng như bạn đọc yêu thích sách quan tâm và mong muốn sở hữu.
Bài thơ cuộc đời bản đặc biệt của Huy Cận, NXB Văn học, 1963
Ngành xuất bản Việt Nam tuy còn non trẻ và trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã có những ấn bản đặc biệt ngay từ thời tiền chiến (trước năm 1945). Qua từng thời kỳ, tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng những người làm sách luôn dành sự quan tâm để cho ra đời các ấn bản đặc biệt. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất như thời kỳ bao cấp, vẫn có những bản in được thực hiện với chất lượng cao nhất có thể. Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, tuy có một khoảng thời gian khá dài vắng bóng các ấn bản đặc biệt, nhưng hiện nay đã có nhiều đơn vị quan tâm, phục hồi và phát triển các ấn bản đặc biệt trong kế hoạch xuất bản của mình, có thể kể đến Nhã Nam, Phương Nam, Đông A, DT Books, Tao Đàn, Sao Bắc… như những điển hình.
Tại triển lãm lần này, bạn đọc sẽ có thể chiêm ngưỡng những ấn bản đặc biệt rất nổi tiếng, được giới sưu tầm sách đánh giá cao như ấn bản tiếng Pháp của tập kỷ yếu kỷ niệm 350 năm ngày sinh Alexandre de Rhodes (1591-1666), in tại Hà Nội năm 1941. Quyển sách này khi ra mắt đi cùng với sự kiện dựng bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes, hiện nay tấm bia, nhà để bia đều không còn nhưng các hình ảnh vẫn được lưu trong sách.
Cũng trong năm 1941, ấn bản đặc biệt tác phẩm Lều chõng ra đời, được in trên giấy dó và đi kèm chữ ký của chính tác giả, nhà văn Ngô Tất Tố. Ấn bản này được bảo quản rất tốt, thậm chí chiếc hộp tặng kèm đựng sách năm đó vẫn được nhà sưu tầm giữ gìn cẩn thận.
Ngoài ra, còn nhiều ấn bản đặc biệt khác cũng được trưng bày trong dịp này như cuốn sách khảo cứu về sự nghiệp Phan Đình Phùng do NXB Đại La in năm 1945, có chữ ký của tác giả Đào Trinh Nhất; bộ Nho giáo hai tập bản đặc biệt in lần đầu, trên giấy dó vào năm 1932; Đại Việt sử ký toàn thư, Nhượng Tống dịch, in 1945 trên giấy dó, có đánh số; Sử ký Tư mã thiên, bản dịch của Nhượng Tống in năm 1943 trên giấy dó, có đánh số; Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1943-1944, bản giấy dó, có đánh số và có bút tích của tác giả; Vang bóng một thời in năm 1962, bản đặc biệt của riêng tác giả Nguyễn Tuân…
Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1943-1944, bản giấy dó, có đánh số và có bút tích của tác giả
Có thể nói, thông qua các ấn bản đặc biệt, cuộc triển lãm đã đưa bạn đọc thực hiện cuộc hành trình từ những năm 1945 đến nay với nhiều thông tin, tư liệu thú vị liên quan đến các tác giả, tác phẩm và cuộc đời của những quyển sách. Các ấn bản được trưng bày tại triển lãm do Quán Sách Mùa Thu, là đơn vị có chuyên môn về sách xưa và sách quý hiếm tổ chức quy tụ, từ chính bộ sưu tập của mình, cùng với sự hỗ trợ của các nhà sưu tập uy tín như Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Vũ Hà Tuệ, luật sư Nguyễn Anh Tuấn…
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Trưởng Ban điều hành Đường sách TPHCM cho biết: “Đây là đợt triển lãm quy tụ những bản in đặc biệt nhất của các đầu sách đã từng được xuất bản tại Việt Nam từ trước đến nay. Các ấn bản này thể hiện cái tâm và một tinh thần làm nghề đáng quý, hướng đến sự chỉn chu, hoàn hảo từ nội dung đến hình thức, của những người làm sách qua các thời kỳ. Sự chăm chút, tỉ mỉ và chu đáo của những thế hệ đi trước, như chúng ta có thể thấy rất cụ thể qua các ấn bản được trưng bày lần này, là tấm gương và động lực cho các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung hiện nay tự hoàn thiện mình, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội.”
Triển lãm diễn ra trong suốt các ngày từ 25-11-2016 đến 27-11-2016 tại Đường sách TPHCM. Ngoài hoạt động triển lãm, nhân dịp này các nhà sưu tầm, làm sách cũng tổ chức hai sự kiện là buổi tọa đàm “Ấn bản đặc biệt - Nàng thơ của người sưu tập”, vào lúc 8 giờ 30 ngày 27-11 và sau đó lúc 10 giờ sẽ tiến hành đấu giá hai cuốn sách đặc biệt, để gây quỹ “Một quyển sách - một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung”.
Hai cuốn sách được đấu giá là: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, do Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1966, ấn bản đặc biêt. Cuốn thứ hai là Lê mạt sự ký của Nguyễn Duy Chính do DT Books và NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2016. Đây là bản đặc biệt - bản Nguyễn Duy Chính, không đánh số, có triện son của tác giả và thủ bút Nguyễn Duy Chính viết hai câu tuyên bố của Lê Quýnh “Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế; bì khả tước, phục bất khả dịch dã” (bọn ta có thể chịu chặt đầu nhưng không chịu cắt tóc; có thể chịu lột da nhưng không chịu thay kiểu y phục).
TƯỜNG VY