Nghệ sĩ Võ An Ninh

Cuộc săn ảnh... 7 ngày Tết

Tôi không nhớ đã bao lần tháp tùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh lên thăm và chụp ảnh nghệ thuật ở Sa Pa. Chỉ biết mỗi lần lên Lào Cai, dù công việc có bận đến đâu, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng cử tôi tháp tùng cụ.
Cuộc săn ảnh... 7 ngày Tết

Tôi không nhớ đã bao lần tháp tùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh lên thăm và chụp ảnh nghệ thuật ở Sa Pa. Chỉ biết mỗi lần lên Lào Cai, dù công việc có bận đến đâu, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng cử tôi tháp tùng cụ.

Cuộc săn ảnh... 7 ngày Tết ảnh 1

 Cụ Võ An Ninh (ngồi bên phải) và các nghệ sĩ nhiếp ảnh TPHCM.
 Ảnh: THÁI BẰNG

Cụ nói: “ông ấy biết tính tôi”. Ai đã một lần đi với nghệ sĩ Võ An Ninh đều học được cái tính kiên trì. Chụp một kiểu ảnh, Võ An Ninh bỏ ra hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng tuần. Trước tiên là cụ chọn địa điểm, ưng ý cụ ngồi đó. Ngồi như người câu cá, lủng là lủng lẳng vài chiếc máy ảnh đeo bên người. Không nói, không ăn, cứ thế mà ngắm. Cụ ghét nhất là ai giục cụ, còi ô tô giục để lên đường là cụ nhăn mặt.

Theo cụ thì Sa Pa đẹp nhất, đẹp hơn cả Đà Lạt. Năm nào cụ cũng có chuyến đi Sa Pa, vì vậy tôi trở thành người bạn vong niên của cụ (cụ hơn tôi 20 tuổi, năm nay cụ 98 tuổi rồi). Có những người dân được cụ chụp ảnh từ khi còn là thiếu nữ, thanh nữ, nay đã già, gặp cụ ở Sa Pa giọt ngắn, giọt dài, nắm chặt tay cụ kể lại bao nhiêu chuyện và khoe cả ảnh mà cụ đã chụp cho cách đây 30 năm, 40 năm.

Bà Hồ Thị Giàng (người Hơ Mông) treo tấm ảnh cụ chụp cho cách đây nửa thế kỷ nơi trang trọng nhất trong nhà, gặp cụ khóc rưng rức vì sung sướng thấy cụ mạnh khỏe, tỉnh táo, mắt sáng, da hồng hào. Cụ gắn bó với Sa Pa và nhân dân Sa Pa yêu quý cụ, kính trọng cụ. Họ coi cụ như một ông tiên có mái tóc trắng như tuyết.

Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Năm đó, mùng 2 Tết, cụ đã đi lên Lào Cai, vào chỗ cơ quan sơ tán ở Giàng Thăng. Trời rét, cụ vào nhà sưởi ấm, tôi đi xem chiếu bóng về vào bếp tìm lửa thắp đèn thì thấy cụ. Thấy tôi ngạc nhiên, cụ bảo: “Mình muốn lên Sa Pa chụp tuyết, mình chưa có ảnh tuyết Sa Pa, lần này lên không biết có gặp không? Mai ông lại đi với mình nhé!”.

Lên đến Sa Pa, với bàn chân khập khiễng (cụ bị tai nạn giao thông trước năm 1945 ở Hà Nội), cụ đã trèo lên đồi này đồi khác, lên cả núi Hàm Rồng, từ Chuồng Bò đến Cầu Mây, với nắm cơm và bi đông nước, tôi cứ theo cụ, hết trèo lại xuống, lại đi, lại ngồi, lại ngắm. Tuyết thì chả thấy đâu.

Cụ bảo tôi: “Mình nghĩ ra rồi, phải chụp một cành đào vắt qua đỉnh Phan Xi Păng”. Nói vậy tôi biết vậy. Sáng mới hơn 5 giờ cụ đã dậy và cùng tôi tìm điểm mà cụ dự định. Ngày đầu, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đi không lại về không, chẳng có chớp một kiểu nào.

Về nhà khách, cụ day dứt là không hợp, không toại nguyện. Với cụ là phải có nắng và mây. Mà trời Sa Pa thì chỉ có mây, có sương, làm gì có nắng. Đến ngày thứ sáu thì tôi đã nản, cụ đi một mình, nằm ở nhà thấy thương cụ quá, tôi lại ra chỗ cụ “phục kích”, nhưng ngày hôm đó đi không lại về không. Cụ nói đùa: “Có phải chụp ảnh đám cưới đâu mà chụp lia lịa”.

Cuộc săn ảnh... 7 ngày Tết ảnh 2

 Ảnh “Sa Pa”.

Đến ngày thứ bảy, gần 4 giờ chiều, cụ định xếp “đồ nghề” ra về. Cụ đang làm dở một việc cần làm cho sinh hoạt con người thì trời ơi, cụ reo lên: “Trời cho, trời cho, ông ơi”. Thế là với tư thế... cụ bấm xoành xoạch. Cụ lại reo lên: “Được một thôi, tuyệt, tuyệt! Cái thứ hai vứt, vứt!”.

Nếu lúc đó tôi cầm máy thì có thể chụp được tấm ảnh đặc biệt về Võ An Ninh. Tìm một mảnh đất khô ráo, ngồi thở, cụ lấy một cút rượu và hai chén nhỏ, rót một chén cụ mời tôi. Tôi buột miệng đọc: “Nâng chén rượu lấy mây trời ta nhắm”.

Cụ nói: “Hay, hay, ông thật hiểu tôi”. Cụ nở một nụ cười đẹp, sảng khoái, mái tóc, chòm râu của cụ phơ phất trước gió.

Bảy ngày một tấm ảnh cành đào vắt ngang đỉnh Phan Xi Păng, một tuyệt tác về Sa Pa. Sau này tôi nghe nói tấm ảnh được phóng to ở phòng làm việc của đồng chí Trường Chinh, ở trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh và nhiều khách sạn nổi tiếng đã treo bức ảnh ở vị trí trang trọng. Ngoài ra nhiều tờ báo lớn, tạp chí trong nước và ngoài nước đã in tác phẩm này.

Đức tính kiên trì, lòng say mê nghệ thuật, lòng yêu thương và kính trọng nhân dân của cụ đã để lại mối cảm tình sâu sắc trong lòng mọi người, trong đó có nhân dân Sa Pa. Cụ gắn bó với Sa Pa như quê hương thứ hai của mình. 26 lần cụ lên Sa Pa thì có hàng chục lần tôi được đi hầu cụ.

Tuần trước tôi lên Sa Pa, nhiều người hỏi thăm cụ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh còn khỏe, song với tuổi 98 cụ phải ngồi trên xe lăn. Cụ không thể lên dự lể kỷ niệm 100 năm Sa Pa. Lại nhớ, vào năm 1996 ở thành phố Hồ Chí Minh, nhân mừng thọ 96 tuổi, cụ xem lại những gì cụ làm được với Sa Pa và cụ thốt lên với tôi: “Nhớ Sa Pa quá, ông ơi!”,
 

Lê Vân 

Tin cùng chuyên mục