
Từ cuối tháng 10 đến nay nhiều ngân hàng thương mại đã lần lượt nâng lãi suất huy động. Ngoài nguyên nhân đón đầu lãi suất trên thị trường thế giới (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED – có thể nâng lãi suất USD lên 4,25% từ nay đến cuối năm), hầu hết các ngân hàng thương mại quyết định tăng lãi suất đều nhằm mục đích giữ khách hàng và giành thị trường. Xu hướng tăng lãi suất rất nhanh của một số ngân hàng đã gây hiệu ứng dây chuyền, làm cho các ngân hàng khác cũng phải tăng theo.

Nhu cầu vay vốn của khách hàng đang tăng cao.
Về nguyên tắc, lãi suất thực dương bao giờ cũng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng. Do đó việc các ngân hàng tăng lãi suất cũng là việc bình thường. Hiện nhu cầu về vốn đáp ứng phát triển kinh tế rất “nóng”, nhất là vào những tháng gần Tết. Bên cạnh đó, hiện nay có một số công trình đầu tư đang được Chính phủ đẩy mạnh thực hiện, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để triển khai.
Theo dự đoán của các chuyên gia, lãi suất USD trong nước thời gian tới sẽ tăng tương ứng với mức tăng của FED và lãi suất VNĐ có thể sẽ nhích thêm, vì nếu không tăng lãi suất sẽ không thu hút được ngoại tệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sẽ không nhiều ngân hàng tăng lãi suất theo FED vì hiện nay lãi suất của một vài ngân hàng đã vượt ngưỡng lãi suất FED vừa điều chỉnh (lãi suất bình quân USD 12 tháng của các ngân hàng trong nước là 4,4%-4,5%).
Việc tăng lãi suất là “liều thuốc” kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã khuyến cáo các ngân hàng thương mại nên dừng lại ở mức hiện nay sẽ tốt hơn để đảm bảo chất lượng tín dụng. Theo các chuyên gia ngân hàng, cáùc ngân hàng thương mại ở nước ta đang làm quen với điều kiện cạnh tranh cao trong việc đưa ra chính sách lãi suất phù hợp. Về mặt quản lý nhà nước, NHNNVN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhằm phục vụ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%.
THANH VÂN