Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim tới 90 phút

Ngày 22-10, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân ngưng tim 90 phút, do nhồi máu cơ tim cấp, kèm sốc nhiễm trùng suy đa tạng rất nặng…

Bệnh nhân Nguyễn T. T. (62 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) khi đang sinh hoạt bình thường thì đột ngột khó thở, ngưng tim, ngưng thở và được bệnh viện tuyến dưới tiến hành cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Sau 45 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim lại, bệnh viện tiến hành báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và chuyển viện gấp. Trên đường chuyển viện, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim nhiều lần và được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân được sử dụng 40 ống Adreanalin (thuốc cấp cứu trong ngừng tim).

Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim tới 90 phút ảnh 1 Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân sau khi cấp cứu ngưng tim thành công 
Ngay khi tiếp nhận từ bệnh viện tuyến trước, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã báo động đỏ nội viện và chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, thuốc và huy động các chuyên khoa.

Tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhân bị hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài lồng ngực, huyết áp, mạch không đo được, toàn thân tím tái. Bệnh nhân được tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, thở máy, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm…

Sau 35 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại và tiếp tục thở máy... Tình trạng lúc này nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Do đó, các bác sĩ tiến hành hội chẩn với chẩn đoán hôn mê, nhồi máu cơ tim cấp, có biến chứng ngưng tim ngưng thở, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, sử dụng cùng lúc 3 thuốc vận mạch liều cao. Khi tình trạng cho phép chụp CT sọ não kiểm tra và tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu. Sau can thiệp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi và điều trị tiếp. Dựa vào các xét nghiệm, bệnh nhân được lọc máu liên tục, cấp cứu suy đa tạng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn tiến theo hướng rất nặng, huyết áp thấp phải sử dụng vận mạch liều cao, suy gan nặng, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng đa kháng thuốc…

Với tinh thần quyết tâm của tập thể bác sĩ, bằng năng lực chuyên môn, kết hợp với các kỹ thuật hiện đại như lọc máu liên tục, thở máy… đã giúp bệnh nhân cải thiện dần.  

Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, thực hiện tốt y lệnh bác sĩ… 

Tin cùng chuyên mục