Xe đạp Việt Nam

Đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Trước việc Canada điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang nước này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo SGGP. Cũng theo bà Loan, hiện nay các doanh nghiệp xe đạp của Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để trả lời những câu hỏi mà phía Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) đưa ra.


- Phóng viên: Tại sao doanh nghiệp Canada lại yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thay vì kiện bán phá giá?

- Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Ban đầu có tin họ định kiện doanh nghiệp bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp, trong đó tập trung vào mặt hàng này xuất sang Canada từ Việt Nam và Trung Quốc, song vì một vài lý do mà vụ kiện lại thôi. Việc chuyển từ kiện bán phá giá sang điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cũng có nghĩa là mặt hàng xe đạp từ tất cả các nước xuất khẩu vào Canada đều bị điều tra chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên coi đây là điều bình thường trong thương mại quốc tế.

Đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế ảnh 1

Lắp ráp xe đạp xuất khẩu.

Mục đích của CITT là tìm hiểu xem các mặt hàng xe đạp được nhập khẩu vào Canada có gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất xe đạp của Canada hay không. Các mặt hàng bị CITT tiến hành điều tra là xe đạp nhập khẩu lắp ráp hoặc chưa lắp ráp, có đường kính đĩa xe lớn hơn 38,1cm, và khung xe đạp…

- Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho vụ kiện này như thế nào, thưa bà?

- Những câu hỏi chủ yếu mà phía CITT đưa ra tại sao giá xe đạp xuất vào Canada lại được bán với giá thấp… Hiện nay, các doanh nghiệp đang cùng với Hiệp hội Xe đạp – Xe máy Việt Nam tích cực tập hợp hồ sơ, tài liệu để có thể trả lời những câu hỏi của CITT. Trong đó, đang tập trung hồ sơ, chứng từ kèm theo chứng minh tại sao giá bán xe đạp của Việt Nam bán ra thấp (về quy trình sản xuất, các chi phí…). 

 Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xe đạp - Xe máy:
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra chưa phải thành viên của hiệp hội (do chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực hướng dẫn những doanh nghiệp này bằng việc nghiên cứu phía câu hỏi mà CITT đưa ra để giúp các doanh nghiệp trả lời một cách thống nhất. Hiện có vài một vài công ty luật muốn giúp đỡ nhưng đến nay hiệp hội vẫn chưa chọn đối tác nào.

Chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu xe đạp Việt Nam cần chuẩn bị thật chu đáo để đối phó. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đoàn kết, thống nhất dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội Xe đạp – Xe máy Việt Nam để đối phó một cách có hiệu quả để chứng minh rằng xe đạp Việt Nam xuất khẩu vào Canada không đe dọa hoặc gây thiệt hại cho doanh nghiệp nước này.

- Trước sự cố này, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Canada liệu có bị ảnh hưởng?

- Đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, từ trị giá xuất khẩu chỉ hơn 645.000 USD vào năm 2000, nay đã lên đến hơn 18 triệu USD trong năm 2004. Chính vì vậy, việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Bà đánh giá thế nào về triển vọng của vụ kiện này?

- Theo tôi biết, các doanh nghiệp sẽ kháng kiện đến mức tối đa để giảm thiểu những thiệt hại do vụ kiện đem lại. 

QUANG NGỌC
 

Tin cùng chuyên mục