Sản xuất sản phẩm xanh
Ông Trần Minh Tiến, chủ cửa hàng 3T, tỉnh Long An, cho biết: Cửa hàng 3T có khoảng 10 chủng loại mặt hàng được làm từ các nguyện liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như cỏ, tre, xơ dừa… có thể thay thế các sản phẩm bằng nhựa như ống hút, túi xách, túi ni lông… Cũng theo ông Trần Minh Tiến, cửa hàng 3T đang phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, sản xuất một số sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu thiên nhiên, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho chị em. Các sản phẩm thân thiện môi trường của cửa hàng hiện đang được bán ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhiều nhất là cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường và cửa hàng bán thực phẩm sạch tại TPHCM.
Trong khi đó, bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty TNHH The Organik House, chia sẻ: “Công ty chúng tôi tập trung vào việc sản xuất hộp đựng thực phẩm bằng bã mía, mo cau, xơ dừa để thay thế hộp xốp, hộp nhựa; các loại ống hút bằng thủy tinh, kim loại, tre thay thế ống hút nhựa; ly bằng bã mía, xơ tre thay thế ly nhựa và các loại muỗng bằng mo cau, tre thay thế muỗng nhựa… Nếu được sử dụng rộng rãi, các đồ dùng sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên này hoàn toàn có thể thay thế đồ dùng bằng nhựa có hại với môi trường”.
Xử lý triệt để rác thải nhựa
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết mỗi ngày trên địa bàn thành phố thu gom và xử lý hơn 8.600 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 20%. Chương trình phân loại rác tại nguồn đang góp phần xử lý vấn đề rác thải nhựa, khi đó, rác thải nhựa được phân loại và đưa đi tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý bằng biện pháp đốt để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với vấn đề xử lý rác thải nhựa, GS-TSKH Lê Huy Bá, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết cần phân biệt túi nhựa tự phân hủy với túi nhựa phân hủy hữu cơ. Nếu túi nhựa tự vỡ vụn thành các hạt nhựa li ti thì vẫn gây ô nhiễm môi trường. Còn túi nhựa thân thiện môi trường tự phân hủy và biến đổi thành những hợp chất hữu cơ cao phân tử hoặc đơn chất nên không ảnh hưởng đến môi trường. Để xử lý rác thải nhựa một cách triệt để, cần thực hiện đốt ở 2 cấp, cấp thứ nhất đốt ở nhiệt độ 700 - 8000C, sau đó tiếp tục đốt cấp thứ hai ở 1.000 - 1.2000C, khói thải trong quá trình đốt phải được làm nguội nhanh nhằm ngăn tái tổ hợp dioxin. Bên cạnh đó, rác thải nhựa cần tái chế triệt để nhưng không nên tái chế thành những sản phẩm phục vụ trong ăn uống trực tiếp. Đồng thời, tích cực khuyến khích người dân sử dụng đồ dùng, bao bì được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và Phát triển tại Việt Nam (ENDA Việt Nam), nhấn mạnh đến giải pháp về chính sách của Nhà nước đối với rác thải nhựa. Theo đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường, thay thế đồ dùng bằng nhựa. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần cân đối giữa vấn đề kinh tế và môi trường.
Nhận định về vấn đề này, GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng, Việt Nam là một trong những nước thải rác nhựa ra môi trường nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn ra biển mỗi năm. Rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm tại chỗ mà còn trôi theo nước hoặc phân hủy hòa vào nguồn nước gây ô nhiễm kênh rạch và biển. Đặc biệt, các động vật ở biển ăn phải rác thải nhựa sẽ bị tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tử vong, dần dần gây ra hiện tượng mất cân bằng sinh thái.
Theo số liệu thống kê của các chuyên gia môi trường, ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TPHCM, trong đó 48.000 tấn được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải khác, số còn lại được tái chế hoặc phát tán vào môi trường…
“Thử thách 3210” kêu gọi hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa
Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và Phát triển (CHANGE), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã chính thức khởi động hoạt động truyền thông với tên gọi “Thử thách 3210”.
Hoạt động bao gồm chuỗi thử thách kéo dài trong 21 ngày (từ ngày 25-6 đến 16-7) nhằm kêu gọi người tham gia thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế sử dụng và loại bỏ dần những sản phẩm nhựa. Người tham gia có thể lựa chọn hoàn thành toàn bộ hoặc chỉ một số thử thách trong chương trình và nhận được giải thưởng hấp dẫn như chuyến du lịch trọn gói đến xử sở xanh - sạch Singapore; xe đạp, máy đọc sách, máy lọc không khí… là phần thưởng cho người thắng giải thưởng tuần; ngoài ra, còn có 90 giải khuyến khích chia đều cho 3 tuần, bao gồm bộ sản phẩm sống xanh và các voucher ăn uống tại các địa điểm thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc Truyền thông CHANGE, chia sẻ: “Thử thách 3210” là cơ hội để người tham gia có thể thay đổi thói quen tiêu dùng, thực hành lối sống xanh, cũng như lan tỏa thông tin rộng rãi hơn nữa. Với 21 thử thách độc đáo cùng giải thưởng hấp dẫn, chúng tôi mong muốn có nhiều bạn trẻ hưởng ứng và cùng cam kết hạn chế sử dụng, loại bỏ dần sản phẩm nhựa.
“Thử thách 3210” là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chiến dịch iCHANGE Plastics do CHANGE phát động. Với khẩu hiệu “Tôi thay đổi vì một Việt Nam không rác nhựa”, Chiến dịch iCHANGE được phát động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của rác thải nhựa đến với cuộc sống và môi trường; từ đó, xây dựng cộng đồng người dân cùng hành động để hạn chế sử dụng và loại bỏ dần những sản phẩm nhựa dùng một lần như bao ni lông, ống hút, hộp xốp, muỗng nĩa nhựa, nước đóng chai… Chiến dịch cũng liên kết với các doanh nghiệp đối tác nhằm khuyến khích giảm thiểu hoặc thay đổi những sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời phân phối những sản phẩm, giải pháp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần rộng rãi trong công chúng.
THANH NGUYÊN