Đã giao 97% vốn đầu tư công năm 2024 cho các bộ ngành, địa phương

Năm 2024, tổng số vốn đầu tư công là 650.000 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng số vốn đã giao cho các bộ và địa phương đạt 97%, với 632.000 tỷ đồng.

Chiều 1-2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời về việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vừa là giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa là trụ đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn phát triển.

hop-bao-chinh-phu-1182-7338.jpg

Năm 2024, tổng số vốn đầu tư công là 650.000 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng số vốn đã giao cho các bộ và địa phương đạt gần 97%, với 632.000 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ đạt trên 70%). Đây là con số cao, thể hiện quyết tâm giải ngân đầu tư công đạt cao trong năm nay. Nhờ phân bổ vốn từ sớm nên tháng 1-2024 đã giải ngân đạt 16.900 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ.

2-4791.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung. Ảnh: QUANG PHÚC

“Năm 2024, nhiều dự án lớn, dự án quan trọng có tính lan tỏa đã hoàn thiện thủ tục. Điều này cho chúng ta niềm tin chắc chắn rằng, kết quả giải ngân năm 2024 sẽ cao, hoàn thành được mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói.

Tại họp báo, trả lời về việc Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, một trong những điều kiện để nâng hạng thị trường là xử lý vấn đề ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch, và đây được coi là điểm nghẽn được các tổ chức xếp hạng khuyến nghị Việt Nam cần gỡ bỏ. Năm nay, Bộ Tài chính sẽ cùng các cơ quan xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền phương án khả thi, gỡ vướng về ký quỹ trước khi giao dịch.

1-3029.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ Tài chính cũng sẽ đưa ra quy định yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải cập nhật, công bố thông tin trên thị trường theo thời gian thực, và bằng song ngữ Anh - Việt, nhằm minh bạch với nhà đầu tư. Việc này sẽ được triển khai ngay trong nửa đầu năm nay và hoàn thành vào cuối 2024. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch chứng khoán mới cũng sẽ được cơ quan quản lý đưa vào vận hành, để đảm bảo yêu cầu thanh toán lưu ký thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, để thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức đánh giá, nâng hạng lên mới nổi còn phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác; bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng phải đảm bảo quản trị rủi ro hệ thống, thị trường vận hành an toàn.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Con số này gần gấp đôi quy mô vốn hóa hiện tại.

Tin cùng chuyên mục