Đà Lạt, một thời hương xa

Nguyễn Vĩnh Nguyên là một trong những cây bút trẻ năng động trong đời sống văn chương tại TPHCM. Sự năng động này không chỉ được thể hiện với 6 tập truyện ngắn hay 3 tập tản văn, tiểu luận mà còn ở cách tác giả trẻ này xây dựng nên những tác phẩm của mình.
Đà Lạt, một thời hương xa

Nguyễn Vĩnh Nguyên là một trong những cây bút trẻ năng động trong đời sống văn chương tại TPHCM. Sự năng động này không chỉ được thể hiện với 6 tập truyện ngắn hay 3 tập tản văn, tiểu luận mà còn ở cách tác giả trẻ này xây dựng nên những tác phẩm của mình.

Từ những đề tài về tình yêu, hạnh phúc rồi đến những vấn đề cuộc sống, xã hội… không phải thử nghiệm sáng tác nào cũng thành công nhưng nó cũng cho thấy sự nỗ lực trong con đường sáng tác của cây bút trẻ.

Vừa qua, Nguyễn Vĩnh Nguyên gây bất ngờ khi giới thiệu một tác phẩm mới theo phong cách nghiên cứu văn hóa độc đáo với nhan đề Đà Lạt, một thời hương xa (NXB Trẻ xuất bản).

Bìa sách Đà Lạt, một thơi hương xa

Đây là dự án du khảo văn hóa của riêng tác giả, được thực hiện trong khoảng 3 năm. Tác phẩm tập trung vào giai đoạn từ năm 1954 đến 1975, giai đoạn mà theo tác giả, TP Đà Lạt đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự biến động và phát triển của miền Nam Việt Nam cả ở chính trị - xã hội đến văn hóa nghệ thuật.

Điều đáng chú ý, tuy gọi là du khảo văn hóa về một vùng địa lý cụ thể nhưng tác giả lại chọn cách thể hiện khác lạ so với nhiều tác phẩm du khảo khác, lấy các cá nhân để khắc họa một đô thị. Điều này được thể hiện xuyên suốt cả tác phẩm, người đọc sẽ thấy được những nhân vật lịch sử như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) đến các nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, Tuấn Ngọc, Lê Uyên - Phương…

Tác giả viết về các nhân vật nhưng không đề cập nhiều đến những quan điểm chính trị, những tư tưởng cá nhân mà thông qua cuộc sống của họ ở TP Đà Lạt khi đó để tái hiện trước người đọc những nét văn hóa của TP này. Đó có thể là quán cà phê Tùng, nơi các văn nghệ sĩ, chính trị gia tụ tập, có thể là Night Club Đà Lạt nơi các giọng ca thành danh sau này bắt đầu bước vào nghiệp ca hát.

Cũng có lúc đó là những căn biệt thự, những ngôi nhà mà các nhân vật đã sống lúc cuối đời hay là khi chuẩn bị bước vào những thay đổi, biến cố lớn.

Tuy nhiên, dù cách thể hiện mang đậm phong cách của một nhà văn nhưng không thể phủ nhận tác giả đã dành rất nhiều tâm huyết cho tác phẩm. Gần 400 trang sách đầy ắp các chi tiết, số liệu, hình ảnh, trong đó có những bức ảnh, tư liệu hiếm về Đà Lạt, về các nhân vật trong tác phẩm. Những tư liệu đó góp phần không nhỏ mang đến cho cuốn sách những giá trị về mặt tư liệu, giúp người đọc càng dễ hình dung về một đô thị đặc biệt ngày xưa.

Tác giả cũng tặng kèm theo sách một tấm bản đồ Đà Lạt xuất bản năm 1971 để bạn đọc dễ hình dung các địa danh được nhắc đến trong sách.

Với sự nghiêm túc trong sưu tầm tư liệu, với chất giọng lãng mạn của một nhà văn, tác phẩm Đà Lạt, một thời hương xa góp thêm một mảnh ghép mới lạ đối với những ai yêu mến TP cao nguyên mờ sương vốn nổi tiếng yên bình và lãng mạn này.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục