Đà Nẵng: Thay đổi cách tiếp cận quản lý rừng trong tình hình mới

Sáng 18-5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Nhân viên kiểm lâm huyện Hòa Vang cùng thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống cháy rừng đi thực tế khu vực bìa rừng tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Nhân viên kiểm lâm huyện Hòa Vang cùng thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống cháy rừng đi thực tế khu vực bìa rừng tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hiện tổng diện tích rừng TP Đà Nẵng là hơn 63.044ha. Trong đó rừng tự nhiên hơn 43.125ha, rừng trồng hơn 19.918ha. Tỷ lệ che phủ rừng tương ứng là 45,5%. Trong năm 2022, Đà Nẵng xảy ra 1 vụ phát lửa gây cháy rừng (0,074 ha rừng trồng Keo và 0,695 ha thực bì) và 3 vụ cháy thực bì, không gây thiệt hại về rừng. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ vi phạm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (phạt tiền 5 triệu đồng) và 9 vụ đốt thực bì không đúng quy định (phạt tiền tổng cộng 15 triệu đồng).

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, tác nhân gây cháy rừng chủ yếu do con người. Nhiều vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt thực bì gây cháy lan. Do “bắt được bệnh” nên gần đây địa phương không xảy ra đám cháy lớn nhưng vẫn còn những vụ nhỏ do xử lý thực bì để cháy lan và ảnh hưởng cây tái sinh.

Vì vậy, đơn vị tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành quy định về việc phòng chống cháy rừng, đặc biệt là công tác xử lý thực bì. Hằng năm lực lượng đều khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân khi khai thác rừng không được xử lý thực bì bằng phương pháp đốt.

Tuy vậy, để xử lý triệt để, ông Dũng kiến nghị phải có lộ trình để người dân không xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Đề xuất HĐND TP Đà Nẵng ban hành chính sách hỗ trợ cho người trồng rừng sau khi khai thác không xử lý thực bì bằng số tiền nhất định để họ đầu tư chuyển sang phương pháp khoa học hơn.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ có rà soát về công tác tiếp nhận thông tin, dự báo cháy rừng theo khu vực, vùng để có hướng xử lý kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, kiến nghị phải có lộ trình kết thúc việc xử lý thực bì bằng phương pháp đốt và có chính sách hỗ trợ chuyển qua phương pháp khác. Bởi, lâu nay phương pháp này được xem là xử lý nhanh, tiết kiệm nhất. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn cũng như có bảo hiểm để người dân tiếp tục hoạt động này. Việc này nhằm để bảo vệ khu rừng sinh thái tự nhiên, hiện thực hóa đề án Đà Nẵng - thành phố môi trường.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc đề xuất UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu có những đường gom không chỉ tạo điều kiện cho người dân hoạt động sản xuất, cũng như để cho các lực lượng chức năng dễ dàng tiếp cận chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, sau khi có nhà máy nước Hòa Liên, lượng nước dâng, các hộ dân không thể vận chuyển qua khu vực lòng hồ.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho rằng, các địa phương nhất là xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cần thay đổi cách tiếp cận quản lý rừng trong tình hình mới. Xã Hòa Bắc không chỉ có rừng đầu nguồn mà việc khai thác vận chuyển của người dân thông qua lòng hồ nhà máy nước Hòa Liên. Vì vậy, địa phương phải có cách quản lý rừng, không khai thác rừng, chuyển qua rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ xung yếu bảo vệ nghiêm ngặt không được xâm hại. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi ngành nghề cũng như trồng rừng gỗ lớn.

Tin cùng chuyên mục