Đại gia công nghệ Mỹ có thể bị tước quyền miễn trừ

Bộ Tư pháp Mỹ vừa đệ trình quốc hội đề xuất giảm các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty công nghệ lớn như Facebook, Alphabet (sở hữu Google) và Twitter, buộc các công ty này phải gánh thêm trách nhiệm quản lý nội dung trên các nền tảng của mình.
Ứng dụng Twitter và Facebook trên điện thoại thông minh
Ứng dụng Twitter và Facebook trên điện thoại thông minh

Người tiêu dùng bị lạm dụng

Đề xuất này dựa trên hai mục tiêu mà chính phủ của  Tổng thống Donald Trump phác thảo hồi tháng 6 vừa qua. Đó là khuyến khích các nền tảng trực tuyến chủ động xử lý các hành vi bất hợp pháp và quản lý nội dung trên trang web một cách công bằng, nhất quán.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đề xuất trên nhằm cải tổ Mục 230 Đạo luật về khuôn phép truyền thông ban hành năm 1996, qua đó không cho phép các công ty công nghệ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm theo mục này nếu họ không đảm bảo một số tiêu chuẩn nhất định như tạo điều kiện để các hành vi tội phạm xảy ra hoặc biết mà không báo cáo và ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra, khi không còn quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý, các công ty trên có thể bị người dùng kiện nếu như họ bị lừa đảo trên các nền tảng trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ dự định sẽ áp dụng quy định này trong các trường hợp liên quan tới vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến hay khủng bố trực tuyến.

Mục 230 Đạo luật về khuôn phép truyền thông vốn cho phép các công ty Internet có quyền kiểm soát khá rộng các trang web của mình, đồng thời giúp các công ty này tránh phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến những hành vi/hành động của người dùng. Trong vài năm gần đây, điều mục này đã gây ra khá nhiều chỉ trích, kể cả trong giới nghị sĩ Mỹ, vì cho rằng các chính sách bảo hộ pháp lý đã lỗi thời và không còn cần thiết trong kỷ nguyên có quá nhiều các hãng công nghệ khổng lồ như hiện nay.

Sau khi Bộ Tư pháp đệ trình đề xuất trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang theo dõi sát hoạt động của các hãng công nghệ trong thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ. Nhà Trắng cũng xác nhận Tổng thống Donald Trump đã thảo luận với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước việc bị truyền thông lạm dụng. Hiện các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều quan ngại việc các nền tảng trực tuyến có thể trở thành nơi hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm. 

Tác động tiêu cực nền kinh tế số

Tuy nhiên, đề xuất bãi bỏ Mục 230 vấp phải sự phản ứng gay gắt của các công ty công nghệ với lý do nhờ luật này mà các nền tảng trực tuyến có thể phát triển mà không sợ liên đới trong các vụ việc pháp lý. Bà Elizabeth Banker, đại diện Hiệp hội Internet - tổ chức mà nhiều công ty công nghệ lớn như Facebook hay Twitter đều là thành viên - cho rằng, nếu theo đề án này, ngay cả nhận xét về một bài đăng của một cá nhân cũng có thể khiến một diễn đàn trực tuyến hay các cá nhân khác đối mặt với vô số vụ kiện tụng. Bên cạnh đó, đề xuất trên nếu được thông qua có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế số.

Đại diện Twitter và Facebook khẳng định quan điểm cho rằng họ cần được bảo hộ pháp lý lâu dài. Theo Twitter, việc các công ty công nghệ không được hưởng miễn trừ trách nhiệm pháp lý sẽ gây tổn hại đến quyền tự do trên không gian mạng. Facebook thì khẳng định, việc siết chặt các quy định pháp lý sẽ “buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mà hàng tỷ người trên thế giới phát ngôn”. 

Tờ Wall Street Journal nhận định, việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch điều chỉnh Mục 230 Đạo luật về khuôn phép truyền thông không gây ra hậu quả ngay lập tức đối với các công ty truyền thông xã hội. Tuy nhiên, điều này có thể khiến ông Donald Trump trở thành người bảo hộ cho phái bảo thủ trong đảng Cộng hòa muốn chống lại các công ty công nghệ mà họ cho rằng đang hoạt động một cách thiên lệch và quá tự do. Trong khi đó, phía đảng Dân chủ cho rằng việc quy kết cho các công ty công nghệ như vậy là không có cơ sở, tuy nhiên việc xem xét lại Mục 230 là điều cần thiết.

Tin cùng chuyên mục