Đại học ghi dấu ấn nổi bật

Chiều 22-12, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) tổ chức hội nghị thường niên năm 2022. Trong năm 2022, ĐHQG TPHCM đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị theo hướng tự chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và hội nhập sâu rộng với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.

Năm 2022, ĐHQG TPHCM đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức 2 hội thảo khoa học quốc gia về Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, ĐHQG TPHCM đã tích cực tham gia đóng góp cho các dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội, điểm nhấn quan trọng là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)…

ĐHQG TPHCM hiện đang là cơ quan chủ quản của nhiều dự án quốc tế lớn với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD. Đây là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho Khu đô thị ĐHQG TPHCM.

Đến nay, ĐHQG TPHCM có 110 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế; giữ vững top 801-1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World), đạt vị trí 167 các trường đại học xuất sắc châu Á (QS Asia). Đặc biệt ngành Kỹ thuật Dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt top 51-100 thế giới (QS Subject)...

Trong năm 2023, ĐHQG TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 và thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ. Sẽ tập trung các trọng tâm sau đây: xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”; thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện các chương trình đào tạo song bằng, tăng quy mô đào tạo sau đại học; triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp. ĐHQG TPHCM cũng sẽ triển khai Dự án Phát triển các Đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQG TPHCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ; khởi công một số công trình mới tại Khu đô thị ĐHQG TPHCM để phục vụ sinh viên và điều chỉnh quy hoạch...


Cùng ngày 22-12, Trường ĐH Văn Lang công bố tái định vị thương hiệu với nhận diện thương hiệu mới “Đại học Văn Lang - Đại học Việt Nam chuẩn quốc tế" và tổ chức tọa đàm với chủ đề: Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai.

Tại sự kiện, ban lãnh đạo Trường ĐH Văn Lang đã công bố bộ nhận diện mới, đồng thời chia sẻ về định hướng mới, minh chứng cho động lực và chiến lược của nhà trường.

Tính tới năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có hơn 100 chương trình đào tạo với 66 ngành học thuộc 7 lĩnh vực đào tạo sở hữu chương trình giảng dạy đối sánh với các trường thuộc top 100 – 200 trên thế giới. Về chương trình, giáo trình giảng dạy, nhà trường chú trọng vào kiến tạo tri thức mới và phát triển đa dạng các chương trình liên kết với các trường đại học tốp đầu thế giới. Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất chất lượng 5 sao theo chuẩn QS.

Dịp này, trường cũng tổ chức tọa đàm có sự tham gia, chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục