Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua lại chưa thật sự tương xứng với tiềm lực hiện có của ĐH này. ĐHQG TPHCM cần có sự “lột xác” nhằm tạo động lực nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học cả về số lượng lẫn chất lượng.
Chưa tương xứng
PGS-TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQG TPHCM, cho biết: ĐHQG có đến 6 trường ĐH hàng đầu, 1 khoa và 1 viện; tập hợp 2.700 cán bộ giảng dạy, hơn 1.000 tiến sĩ và 2.000 thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật - công nghệ, khoa học sức khỏe, khoa học quản lý - kinh tế - luật.
Đó là chưa kể có khoảng 1.000 nghiên cứu sinh/năm. ĐHQG TPHCM cũng đã tập trung đầu tư 8 chương trình nghiên cứu trọng điểm thuộc các lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, công nghệ sinh học và khoa học sức khỏe, khoa học xã hội, năng lượng tái tạo và năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, môi trường, công nghệ vi mạch…
Bên cạnh đó, đối tác của ĐHQG TPHCM là những trường ĐH của Hoa Kỳ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan… nằm trong tốp đầu của thế giới.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua còn quá khiêm tốn. Số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI (Institute for Scientific Information) từ 2011 đến nay chỉ có 2.078 bài, đạt tỷ lệ tăng trưởng mức 14%/năm. Bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ chỉ có 146. Tỷ lệ doanh thu chuyển giao công nghệ mới chỉ hơn 1%, nguồn thu vẫn chỉ là hợp đồng cung cấp dịch vụ khoa học - công nghệ và dịch vụ kỹ thuật.
Nói về những kết quả trong giai đoạn vừa qua, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM, đánh giá: “Những kết quả đạt được thật đáng khích lệ, có nhiều nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, nhiều công trình khoa học xuất sắc, lọt vào tốp 150 của châu Á…
Song, những kết quả ấy còn quá khiêm tốn, chưa thật sự tương xứng với những tiềm lực của ĐHQG TPHCM. Chúng ta chưa có sự liên kết giữa các đơn vị trong hệ thống, chưa gắn kết với nhiều doanh nghiệp, đồng thời chưa có những sản phẩm khoa học - công nghệ mang tính đột phá để phục vụ kinh tế, xã hội.
Đáng nói hơn, các hướng nghiên cứu còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư tập trung để tạo ra sản phẩm đầu cuối”.
GS-TS Phan Thanh Sơn Nam, nhóm nghiên cứu vật liệu phân tử và cấu trúc Nano (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), thẳng thắn: “Còn quá nhiều trở ngại và khó khăn. Ngoài thủ tục hành chính phiền hà, thủ tục nghiệm thu đề tài cũng rườm rà không cần thiết. Chủ nhiệm đề tài phải viết đến 3 cuốn báo cáo/lần vào giữa kỳ và cuối kỳ; điều đáng nói là những cuốn báo cáo này không có ý nghĩa gì hết. Chưa hết, nhóm nghiên cứu chỉ có thể làm việc 2 - 3 ngày/tuần, thời gian còn lại phải nghỉ vì các hệ thống thiết bị quá tải. Đó là chưa nói đến việc thiếu kinh phí sửa chữa, thay mới phụ tùng”.
Phải theo chuẩn quốc tế
GS-TS Phan Thanh Sơn Nam kiến nghị: “Muốn hội nhập thì chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực quốc tế, không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng. Chúng ta phải áp dụng chủ trương “vắt kiệt sức các nhóm nghiên cứu mạnh” bằng cách tạo mọi điều kiện, đầu tư tập trung để họ làm việc. Còn như hiện nay, rất nhiều người của mình đi làm nghiên cứu thêm ở bên ngoài, đóng góp cho các đơn vị khác”.
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Phan Bách Thắng, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (ĐHQG TPHCM), cho rằng: “Muốn xếp hạng quốc tế thì chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc và công bố quốc tế trong danh mục ISI. Quan trọng là chúng ta phải làm theo đúng chuẩn quốc tế. Nếu không thì rất khó khăn cho chúng ta trong việc công bố quốc tế, cũng như được quốc tế công nhận”.
Cũng theo PGS-TS Phan Bách Thắng, các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc hay gần hơn là Singapore đã đầu tư thành lập các trung tâm xuất sắc từ khá lâu. Để có trung tâm xuất sắc, chúng ta phải xác định hướng nghiên cứu hiện đại, có chọn lọc. Tiếp đến là trung tâm xuất sắc phải có tính tự chủ cao trong hoạt động khoa học - công nghệ, có tính quốc tế và nhất thiết phải đầu tư thật mạnh, thật minh bạch.
PGS-TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (ĐHQG TPHCM), băn khoăn: “Thật ra việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc đã được Chính phủ chỉ đạo từ lâu và tôi nhớ đã có ít nhất 10 cuộc họp về vấn đề này, bàn các tiêu chí. Do đó, chúng ta đừng bàn cãi về các tiêu chí nữa mà hãy bắt tay làm ngay. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 phải có 30 đơn vị nghiên cứu khoa học tầm khu vực và thế giới, thế nhưng mốc thời gian đó đã qua mất rồi”.
Trước những kiến nghị trên, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, khẳng định: “Đúng là chúng ta còn quá nhiều bất cập, từ kết quả nghiên cứu, thực trạng đào tạo sau đại học đến chính sách, thủ tục hành chính. Vì vậy, ĐHQG TPHCM chắc chắn sẽ có nhiều quyết sách để thay đổi. Trong đó, phải đầu tư có trọng tâm để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc và đầu tư dài hạn. Các chính sách, quy định, nghiệm thu đề tài sẽ phải thay đổi, đặc biệt là tin học hóa các thủ tục, để tạo điều kiện cho phát triển nghiên cứu khoa học”.
Từ nay đến năm 2022, ĐHQG TPHCM sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc với các tiêu chí như: Có ít nhất 1 đề tài cấp Nhà nước và nhiều đề tài các cấp; công bố ít nhất 4 bài báo trong danh mục ISI; có ít nhất 1 bằng sáng chế quốc tế; có ít nhất 1 kết quả chuyển giao thành công cho doanh nghiệp; có ít nhất 1 công trình hợp tác khoa học quốc tế có kết quả tốt; đào tạo ít nhất 3 nghiên cứu sinh, 10 thạc sĩ; có giải thưởng khoa học - công nghệ uy tín…