Đại tá Bùi Văn Tùng qua đời

Lúc 3 giờ 10 ngày 9-2, Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2, qua đời sau cơn đột quỵ hai ngày trước tại nhà riêng (số 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM). Nhiều đồng chí, đồng đội, bạn bè thân hữu đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình.
Ông Bùi Văn Tùng (bên trái), Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30-4-1975. Ảnh: tư liệu
Ông Bùi Văn Tùng (bên trái), Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30-4-1975. Ảnh: tư liệu

Anh Bùi Nam Hải, con trai Đại tá Bùi Văn Tùng, cho biết, từ sáng sớm, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu dù tuổi cao sức yếu đã đến thắp hương thăm viếng đồng đội. Trung tá Vũ Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1, Binh chủng Tăng - Thiết giáp, cũng có mặt từ sáng sớm, cho biết: “Đại tá Bùi Văn Tùng dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng là người cán bộ chỉ huy luôn dành nhiều tình cảm cho nhà trường. Tập thể nhà trường luôn tự hào về Đại tá Bùi Văn Tùng. Những ngày thủ trưởng bị ốm, chúng tôi thường xuyên thay nhau thăm hỏi, động viên”.

Riêng người lính công vụ ngày trước, ông Nguyễn Hữu Hòe cố che dòng nước mắt, chia sẻ: “Đại tá Bùi Văn Tùng là thủ trưởng mà tôi xem như người cha của mình. Thủ trưởng rèn dạy, uốn nắn cho tôi từng việc nhỏ. Tôi nên người như bây giờ cũng nhờ người thủ trưởng kính yêu - Đại tá Bùi Văn Tùng”.

Trước những thông tin khác nhau về việc ai là người đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa, đọc trên đài phát thanh vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30-4-1975, ngày 14-3-2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử: “Vào thời điểm trưa ngày 30-4-1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó, đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”. Ông cũng thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận lời đầu hàng này, đánh dấu thời khắc chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Bùi Văn Tùng tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1983 thì nghỉ hưu.

Đại tá Bùi Văn Tùng sinh ngày 4-2-1930 tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, học tại trường nam sinh Lycée Blaise Pascal. Tháng 8-1945 đến tháng 5-1947: Hội viên Hội công nhân cứu quốc, đội công nhân tự vệ TP Đà Nẵng. Tháng 6-1947 đến tháng 3-1953: nhập ngũ, là học viên, cán bộ Liên khu 5, Đại đội phó mặt trận Bắc Tây Nguyên. Tháng 4-1953 đến tháng 9-1959: Thượng úy, Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 305. Tháng 10-1959 đến tháng 12-1964: Thượng úy, Học viện Đào tạo cán bộ tăng thiết giáp tại Trung Quốc. Tháng 1-1965 đến tháng 9-1969: Đại úy, Chính trị viên Tiểu đoàn xe tăng 177 tăng cường cho Quân khu 4, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 10-1969 đến tháng 2-1970: Đại úy, Chính trị viên tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Tăng 195 chiến trường Lào. Tháng 3-1970 đến tháng 2-1971: Thiếu tá, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn xe tăng 203 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp (Bộ Quốc phòng). Tháng 3-1971 đến tháng 1-1980: Trung tá, Thượng tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Quân đoàn 2. Tháng 3-1980 đến tháng 3-1981: Đại tá, giảng viên, cán bộ Học viện Quân sự cao cấp. Tháng 4-1981 đến tháng 9-1983: Đại tá, Chính ủy Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp.

Tin cùng chuyên mục