Hàng triệu người Việt Nam đang bị mắc bệnh đái tháo đường. Đáng lo ngại căn bệnh từng được coi là “bệnh nhà giàu” đang tăng nhanh chóng số người mắc, bất kể lứa tuổi, cũng như điều kiện kinh tế cuộc sống. Trong khi đó, số lượng bác sĩ điều trị bệnh đái tháo đường tại nước ta còn hạn chế.
- Không loại trừ ai
GS Nguyễn Thụy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, lo ngại cho biết lâu nay căn bệnh đái tháo đường thường được mọi người cho rằng, đây là bệnh của nhà giàu bởi không ít người mắc bệnh ở trong gia đình có điều kiện về kinh tế, dẫn tới việc ăn uống bất hợp lý, ăn nhiều chất đạm và đồ ngọt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, số người mắc đái tháo đường ở nước ta đang tăng nhanh chóng, bất kể hoàn cảnh kinh tế và điều kiện cuộc sống. Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới cho thấy, năm 2011, Việt Nam có 1,7 triệu người bị đái tháo đường, trong đó khoảng 3,2% bệnh nhân từ 20 - 79 tuổi và dự đoán đến năm 2030, số người bệnh sẽ tăng lên 3,1 triệu người.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương và nhiều chuyên gia y tế cho rằng, thực tế các nghiên cứu gần đây cho thấy, số người mắc đái tháo đường ở nước ta còn cao hơn rất nhiều, ước tính khoảng 5 triệu người mắc. Đáng chú ý, người bệnh đái tháo đường ở nước ta đang có xu hướng gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, hiện có gần 300 bệnh nhi mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị. Trong đó có khoảng 20 trường hợp là trẻ dưới 6 tháng tuổi và đây được xem là những trường hợp rối loạn đường huyết hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết nhiều bậc cha mẹ không nghĩ bệnh đái tháo đường có thể xảy ra ở trẻ em nên họ ngỡ ngàng khi được bác sĩ thông báo con họ mắc căn bệnh không lây nhiễm này. Việc bệnh nhân đái tháo đường bị trẻ hóa có nguyên nhân từ việc không ít người thực hiện chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh hoặc ăn nhiều chất đạm, ngọt nhưng lại lười vận động.
- “Thủ phạm” gây bệnh hiểm nghèo
Mặc dù số người mắc đái tháo đường ở nước ta đang gia tăng nhanh, nhưng theo ông Nguyễn Vinh Quang, số lượng bác sĩ có chuyên môn điều trị căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, nhận thức của cộng đồng về bệnh còn thấp, kéo theo số lượng lớn người chưa được phát hiện bệnh còn khá cao. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế cho biết đái tháo đường gây ra những hậu quả rất nặng nề, cũng như là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi nếu không phát hiện sớm, cũng như có các điều trị kịp thời thích hợp đối với đái tháo đường.
GS Nguyễn Thụy Khuê chia sẻ, không thể xem thường bệnh đái tháo đường, bởi bệnh diễn biến âm thầm và chỉ có biểu hiện khi đã có biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và cơ thể. “Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức…”, GS Khuê cảnh báo. Đối với trẻ em khi bị mắc đái tháo đường, nếu không được điều trị kịp thời, kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ gặp biến chứng như mù mắt, tổn thương thận. Hơn nữa nếu việc điều trị đường huyết không đúng sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết, làm trẻ có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ.
Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, GS Khuê cho rằng, mọi người cần phải có một chế ăn uống, dinh dưỡng hợp lý. Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh, tinh bột, khẩu phần ăn phải đảm bảo có chất xơ. Cần thường xuyên vận động bằng thói quen lao động nhẹ nhàng hoặc chơi thể thao. Khi cơ thể có biểu hiện như thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu nhiều, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… cần nghĩ đến bệnh đái tháo đường và phải sớm tới bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp đã bị mắc bệnh, người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt đường huyết, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, thời gian liều lượng dùng thuốc để bảo đảm hiệu quả điều trị, không để bệnh tiến triển nặng hơn, nhằm đề phòng biến chứng nguy hiểm.
KHÁNH NGUYỄN
| |