- Các trường ngoài công lập gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị về Dự thảo Luật Giáo dục đại học
Ngày 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 cũng như việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên toàn quốc.
Biến đất nông nghiệp thành đất hoang là vô lý
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), tình hình lãng phí trong sử dụng đất, chủ yếu là đất nông nghiệp hiện diễn ra ở rất nhiều nơi, nhất là những địa phương, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Có doanh nghiệp treo hàng trăm hécta do thiếu vốn, để lại hậu quả lớn về công ăn việc làm cho người nông dân.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy hoạch đất của giai đoạn cũ không có tính bền vững do đó luôn luôn bị phá vỡ. Điển hình là quy hoạch không bám theo nhu cầu của các nhóm đối tượng. Chúng ta chỉ bám vào nhu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp chứ không dựa theo những người có nhu cầu. Ví dụ, ở các đô thị khi xây chung cư, không ai khảo sát nhu cầu của dân để phân khúc dự án cho phù hợp. Do đó, các dự án mọc ra nhiều, nhà biệt thự, chung cư cao cấp thừa trong khi dân không có nhà ở.
* Chiều 1-11, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Cơ yếu. Đây là dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại một kỳ họp trước và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cơ yếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về vấn đề vị trí của cơ quan cơ yếu ở trung ương và quản lý nhà nước về cơ yếu (là nội dung còn có ý kiến khác nhau), sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định theo hướng chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn giữ tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. |
ĐB Trần Du Lịch phân tích, quy hoạch đất công nghiệp TPHCM đến năm 2020 là hơn 50.000ha. Hiện 14 khu công nghiệp đã san lấp là 2.500ha, đang xây dựng hạ tầng khoảng 2.000ha. Dù mới khai thác được 2.500ha nhưng đã đóng góp vào kinh tế thành phố rất lớn. “Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp hiện khoảng 43%, nếu lấp đầy có khi phải mất 50 năm nữa, vậy trên bình diện cả nước có nhất thiết phải lập quy hoạch mới là có 200.000ha diện tích đất khu công nghiệp vào năm 2020?”, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn. Từ đó, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ cần làm rõ hiệu quả của trên 70.000ha đất công nghiệp hiện nay cũng như 200.000ha vào năm 2020 thông qua các chỉ số như cần bao nhiêu tiền để đầu tư, hiệu quả đến đâu bởi nếu không làm rõ mà ra nghị quyết phê duyệt thì có thể dẫn tới quy hoạch treo. “Biến đất nông nghiệp thành đất hoang, biến đất công nghiệp thành nơi nuôi bò là vô lý”.
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, trong vấn đề chuyển đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp, cần có quy định rõ là các chủ dự án phải lý giải được việc bao nhiêu dân mất đất và có gì để đảm bảo đời sống cho người dân mất đất. Không thể chỉ “chăm chăm cấp đất giao tiền là xong”. Nếu không lý giải được các nội dung trên cương quyết không cho làm dự án chứ không phải chúng ta làm công nghiệp hóa bằng mọi giá để rồi lại đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao từ việc người nông dân mất đất.
Nhiều ĐB bức xúc cho rằng, quỹ đất cho công trình phúc lợi xã hội, công cộng, y tế, giáo dục rất ít và không đạt chỉ tiêu đề ra. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh: Mười năm qua, việc quy hoạch đất đai không thể gọi là thành công khi nhà nhà đi làm khu kinh tế, mở khu công nghiệp, sân golf, cảng biển, sân bay... khiến có những khu công nghiệp không thu hút được các nhà đầu tư, cảng không tàu, sân bay hoang vắng. Trong khi nhiều dự án “cứ xin là có đất” thì việc xây dựng nhà trẻ, hay trụ sở cơ quan cả chục năm vẫn không thể bố trí được do không có đất.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng: Ngoài việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tế, việc thực hiện quy hoạch không đến nơi đến chốn cũng đã tạo ra nhiều dự án “rùa”, hiệu quả kém. Khu ĐH Quốc gia Hà Nội dự toán xây dựng 7.000 tỷ đồng nhưng do thời gian thực hiện kéo dài, nay đã trượt giá lên hơn 20.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng lần đầu xong nhưng không triển khai được, dân lại ở và phải giải phóng mặt bằng lần hai, gây lãng phí rất lớn.
Liên quan đến mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, hầu hết ĐB cho rằng cần phải giữ bằng được con số này để đảm bảo an ninh lương thực, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh ở nhiều nước và sản xuất lương thực sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam.
Chưa có số liệu xác thực về rừng
Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ bản hoàn thành. Độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu: đưa độ che phủ của rừng lên 42% - 43% vào năm 2015 và 44% - 45% vào năm 2020.
Tuy nhiên, nhìn vào các con số báo cáo thực hiện, nhiều ĐB cho rằng chưa sát với thực tế. Theo các ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM), hiện nay việc thống kê các số liệu về rừng còn thô sơ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, vẫn dựa vào rà soát đánh giá của địa phương. Trong khi địa phương cộng cơ học từ các tiểu khu... Do vậy, độ chính xác không cao. Ngay bản thân các địa phương hiện nay cũng không thống kê nổi diện tích rừng bị mất do thủy điện, di dân hay do lâm tặc… nên khó có giải pháp để phục hồi rừng. Từ đó, các ĐB cho rằng cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, thống kê, giám sát rừng để từ đó làm tốt hơn công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Cũng liên quan đến việc bảo vệ, phát triển rừng, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, khoản trợ cấp cho người tham gia bảo vệ rừng là 100.000 đồng/năm và sắp tới có thể 200.000 đồng/năm quá thấp, không tạo động lực cho việc bảo vệ rừng. Do đó, cần có chính sách đặc thù để làm sao người dân có lợi trong việc tham gia trồng, bảo vệ rừng bởi dự án trồng rừng chi phí bỏ ra lớn nhưng thực tế không giúp được người dân xóa đói giảm nghèo. Theo các ĐB, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách định canh định cư, xóa đói giảm nghèo; tăng quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ rừng mới có thể bảo vệ, phát triển được diện tích rừng.
Nhóm PV
Các trường ngoài công lập gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị (SGGP).– Ngày 2-11, Chính phủ trình dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) để Quốc hội cho ý kiến. Liên quan đến dự án luật này, Hiệp hội Trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Chính trị kiến nghị 3 nội dung liên quan đến dự thảo Luật GDĐH. Cụ thể là quyền tự chủ của các trường ĐH; vai trò của hội đồng trường trong trường ĐH công và cơ chế lợi nhuận của các trường ĐH ngoài công lập. Trong công văn gửi Bộ Chính trị, hiệp hội cho rằng, hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Tuy nhiên, không nên thành lập ồ ạt tổ chức này ở tất cả các trường ĐH mà trước hết cần thành lập trước ở những trường hội đủ 2 điều kiện: đã đủ năng lực để được nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm của trường; đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thể hiện qua vai trò các đại diện của mình trong hội đồng trường. Cơ cấu thành viên của hội đồng trường phải thể hiện tính cộng đồng thật sự của chủ sở hữu. Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong hội đồng trường phải chiếm đa số. Về cơ chế lợi nhuận, hiệp hội này cho rằng, Nhà nước chưa có quy định hệ thống tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là phi lợi nhuận, thế nào là vì lợi nhuận. Tuy đã có nhiều chủ trương khuyến khích ưu đãi các trường phi lợi nhuận được nêu ra trong các văn bản đã ban hành nhưng đều chưa thành hiện thực. Do đó, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực để có cơ chế chính sách phù hợp... Mặt khác, hiệp hội cũng cho rằng Nhà nước phải có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở GDĐH không vì lợi nhuận. Cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường ĐH không vì lợi nhuận cũng như ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở GDĐH không vì lợi nhuận. Chỉ những cơ sở GDĐH chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng - được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được quyền hưởng các chính sách ưu đãi... L.Nguyên |