Đêm 10-2 (27 tháng chạp), 1.000 suất thịt kho, bánh tét đã được các phóng viên Báo SGGP, lực lượng y bác sĩ tình nguyện thuộc Chi hội Y bác sĩ Từ thiện Tâm Việt phân chia cho người nghèo, người lang thang cơ nhỡ ở hầu khắp các quận huyện tại TPHCM. Món quà bất ngờ ấy - tuy nhỏ - nhưng chứa đựng biết bao ân tình. Đây cũng chính là điểm nhấn của Chương trình “Nghĩa tình mùa xuân” do Báo SGGP khởi xướng từ hơn tháng qua.
Mỗi người một ít...
Vừa đề ra ý tưởng kho thịt, nấu bánh tét tặng người lang thang ăn tết, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ Công ty TNHH Ba Huân. Ngay đêm 21 tháng chạp, bà Ba Huân (Phạm Thị Huân) đã chở đến địa điểm tập kết 1 thiên (1.000) trứng sạch, nói gọn: “Góp cho bà con có hương vị tết”. Bàn tới bàn lui, nhóm thực hiện quyết định phải tăng thêm trứng, thịt và cả nhân sự đi phát, cốt sao thịt kho phải đến đúng đối tượng là người cơ nhỡ!
Vậy là thịt heo sạch được đặt hàng từ phía Vissan, giá 73.000 đồng/kg. Chúng tôi đặt hàng 100kg thịt và mua thêm 1 thiên trứng sạch nữa để chia đủ thành 1.000 phần thịt kho, mỗi phần 100gram thịt cùng 2 quả trứng.
Phần nguyên liệu đã xong, bác sĩ Hồ Hoàng Tuấn (Chi hội Từ thiện Tâm Việt) quyết định vận động các thành viên góp tiền mua chục lít nước mắm Phú Quốc, 50 trái dừa xiêm và điện thoại tìm… đầu bếp.
Hai hôm sau, anh báo: “Mình đã nhờ được vị bếp trưởng Công viên nước Đầm Sen đứng kho thịt, bảo đảm ngon, đúng khẩu vị Nam bộ”. Rồi hôm sau, ngay khi chúng tôi đang “bí” kinh phí mua bánh tét, anh lại điện thoại khoe: “Đặt hàng được 1.000 đòn bánh rồi, loại nhỏ 1-2 người ăn, giá 5.000 đồng/đòn, là do bệnh nhân ở dưới quê mang ơn bác sĩ, nên bỏ công làm giúp”.
Lo lắng sau cùng của nhóm thực hiện chương trình là làm sao chia đều thịt kho-bánh tét đi khắp các địa bàn và lực lượng cơ động sẽ không thể đảm đương nếu chỉ quy tụ toàn nhà báo và bác sĩ. Thế là dùng các mối quan hệ riêng, chúng tôi cũng “năn nỉ” được 200 sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng hỗ trợ. Nghe nói được chia thịt chia vui với bà con cơ nhỡ, nhóm sinh viên vui ra mặt, hứa dùng “xe cá nhân-xăng tự túc” để tham gia.
Và những mảnh đời
16 thợ nấu được tập họp tại địa điểm rộng dùng làm “sở chỉ huy”. Không có nồi to, dàn thợ bếp phải dùng 3 lò gaz di động để chia kho thịt làm 2 mẻ, mỗi mẻ 50kg (kho trong 3 nồi). 5 giờ đồng hồ canh thịt, vớt bọt, nêm nếm trôi qua thật mau. Nhóm thực hiện phải ăn cơm xung quanh bếp để canh lửa, ai nấy mệt lả, mồ hôi nhễ nhại mà miệng thì rôm rả cười vui.
Có những cái lo: sợ thịt chưa mềm, người nhận sẽ không có thịt ăn đúng bữa tối… Thế nên nhóm bếp phải thay đổi thêm một loạt 3 bình gas loại trung, nhằm giữ lửa cháy liên tục để chạy đua với thời gian!
Chúng tôi đợi thịt nguội hẳn rồi mới múc ra hộp nhựa cho đủ 1.000 phần. Vậy mà vừa múc xong, lại có ý kiến cho rằng sẽ dễ chảy nước, nhớp nháp trong quá trình vận chuyển. Vậy là lại thay đổi phương án, cho thịt vào 2 lớp túi nylon sạch, cột kín lại. Rồi túi thịt kho được cho vào bao xốp dày, kèm theo bánh tét, nước uống và bấm kim dọc miệng bao, thế là ổn!
Đêm 27 tháng Chạp. Đường phố rực rỡ ánh điện, hoa mai, hoa cúc, tắc cảnh, thược dược, hướng dương trưng bán đầy các con phố. 6 nhóm tình nguyện, mỗi nhóm khoảng 30 người phân nhau đi các địa bàn xung quanh chợ Xóm Củi, Bệnh viện Ung bướu, cầu Thị Nghè, Bến xe miền Đông, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa… là những nơi chúng tôi dự liệu có người cơ nhỡ, người lao động không kịp về quê đón tết.
Nhóm của Báo SGGP tuy ít người nhất, quân số chỉ 8, nhưng phụ trách toàn địa bàn quận 5 và một phần quận 6, Bình Tân. Chiếc xe taxi 7 chỗ chở 100 suất thịt kho-bánh tét đầu tiên trực chỉ Bệnh viện An Bình. Đây là “địa chỉ đỏ” nên ngoài thịt kho, đoàn còn bổ sung thêm bao lì xì cho thân nhân người bệnh.
Chị An, gốc Vĩnh Long, xúc động: “Tui nuôi thằng cháu cả tháng nay, hết tiền rồi. Bác sĩ nói phải nằm qua tết. Có mớ thịt kho này, tui thấy đỡ tủi thân, đỡ nhớ tết quê nhà”.
Một nhóm khác di chuyển dần về phía quận 5. Gặp ngay một người đàn ông tóc bù xù đang ngồi trên băng ghế đá, Hoàng Liêm tặng ngay phần thịt kho bánh tét trong sự ngỡ ngàng của ông này. Hỏi ra mới hay ông đi ăn xin. Ông đang lo ngày tết không có quán xá buôn bán nhiều, sẽ chẳng có cơm thừa cho ông ăn.
Lại gặp em Hà Thị Thùy Trang đang bới móc tìm vỏ lon nhôm, chúng tôi dừng lại hỏi mới biết em đang học lớp 6 Trường THPT Bông Sao A. Nhận phần quà của Báo SGGP, Trang nói sẽ về “đãi” ba mẹ.
Trời càng về đêm càng lạnh. Trên đường đi, nhóm xuống Bình Tân bắt gặp người đàn ông 61 tuổi tên Trần Ích Phú, hành nghề đạp xích lô. Nhận phần quà đầy tình nghĩa, ông Phú cất ngay vào dưới thùng xe, nói “để dành tối ăn”. Hỏi ông sao không về nhà, ông nói “xích lô là nhà nè”.
Đến 20 giờ, các PV Báo SGGP mới phát hết 300 suất thịt kho, bánh tét cho nhiều cảnh đời lang thang, cơ nhỡ. Ngay sau đó, khoảng 200 sinh viên, bác sĩ tình nguyện cũng bắt đầu xuất quân, đi đến các địa điểm xa hơn. Nơi ấy, còn nhiều cảnh đời bất hạnh!