Đàn đá Lộc Hòa - Bộ nhạc khí đá hoàn chỉnh

Đàn đá còn có tên gọi khác là thạch cầm, phát âm vang như tiếng cồng. Đàn đá đã được UNESCO công nhận là một trong những nhạc cụ thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đàn đá Lộc Hòa chứa đựng những bí ẩn về văn hóa tâm linh của người tiền sử tại Đông Nam bộ
Đàn đá Lộc Hòa chứa đựng những bí ẩn về văn hóa tâm linh của người tiền sử tại Đông Nam bộ

Cùng với trống đồng Đông Sơn, đàn đá cũng được tổ chức này xác nhận là loại nhạc khí cổ xưa nhất Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12-2017...

Theo tài liệu từ Bảo tàng Bình Phước, năm 1958 thanh đàn đá đầu tiên được tìm thấy bởi công nhân đào đất mở đường xe lửa tuyến Thủ Dầu Một - Lộc Ninh. Thanh đá này có chất liệu đá bazan, cấu trúc porphyre dài 80cm, dày 10cm, là tín hiệu đầu tiên về thanh “đá kêu” tại Bình Phước. Thanh đá này hiện được Bảo tàng Lịch sử TPHCM lưu giữ.

Đến tháng 11-1989, ông Lê Quang Bân ở xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) cũng đã đào được 2 thanh đá ở độ sâu 30cm và đã giao lại cho Bảo tàng tỉnh Sông Bé lưu trữ. Đơn vị này đã phối hợp với các nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, Vũ Hồng Thịnh thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật TPHCM nghiên cứu và xác định độ vang của 2 thanh đá này tương ứng với nốt “đô” trong âm nhạc.

Và đến ngày 10-10-1996, bộ đàn đá Lộc Hòa 1 đầy đủ được lão nông Bùi Hữu Triều phát hiện tại vườn tiêu của gia đình. Bộ đàn nguyên vẹn với 12 thanh đá lớn nhỏ khác nhau, xếp dài theo thứ tự hình cung, cách mặt đất gần 1m. Vài ngày sau, ông Triều phát hiện bộ đàn đá Lộc Hòa 2 với số lượng 14 thanh, cách bộ đầu tiên khoảng 1,5m, đã giao nộp cho cơ quan chức năng và được ngành văn hóa tỉnh Bình Phước phối hợp với Trung tâm Khảo cổ, thuộc Viện Khoa học xã hội TPHCM đánh số ký hiệu, lưu giữ và trưng bày tại Nhà giao tế huyện Lộc Ninh. Cả 2 bộ đàn này sau đó được đưa về Bảo tàng tỉnh Bình Phước.

Hiện tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước đang lưu giữ 5 bộ đàn đá và 38 thanh đá rời khác nhau được tìm thấy ở các huyện Lộc Ninh, Hớn Quảng, Bù Đăng, thị xã Bình Long. Theo các tài liệu nghiên cứu, đàn đá Lộc Hòa chủ yếu được chế tác từ các loại đá sừng màu xám đen hạt mịn. Các thanh đàn đều được chế tác rất cẩn thận theo từng phiến, lớp với kỹ thuật ghè đẽo tinh tế, hài hòa, khi ghép nối các thanh đá sẽ tạo nên bộ đàn giống như một hình nón cụt…

Theo đánh giá của Viện Văn hóa nghệ thuật TPHCM, đàn đá Lộc Hòa có tần số quãng âm nhất định. Tỷ lệ âm thanh phụ thuộc vào chiều dài, sức nặng của thanh đá: thanh đá dài, nặng sẽ có âm trầm; thanh đá ngắn, mỏng thì có âm thanh cao, trong trẻo. Các bậc âm hoàn toàn dựa theo thang bộ của thiên nhiên, chính vì vậy đàn đá Lộc Hòa được xem là bộ nhạc khí đá hoàn chỉnh nhất hiện nay. Với những âm bậc trầm hùng, thanh trong, khi tiếng đàn được gõ lên sẽ tạo nên tiếng của rừng thiêng, của suối ngàn, của cây lá…

Còn theo ông Nguyễn Duy Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước: “Đàn đá Lộc Hòa có thể được xem là đại diện của đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của người bản địa ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước”.

Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh nhận định: Sự nguyên vẹn của đàn đá Lộc Hòa sẽ giúp các nhà khoa học, dân tộc học, nhân học có thể tìm hiểu được nguồn gốc nguyên liệu, kỹ nghệ gia công đá, nghệ thuật biểu cảm khi chơi nhạc khí của người cổ xưa. Từ đây có thể tìm ra nguồn gốc bản địa của thạch cầm, sự chuyển lưu địa bàn cư trú của những tập thể người cổ trên địa bàn Nam Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Như vậy, sau hơn 20 năm trở về từ lòng đất, những bộ thạch cầm cổ ở Lộc Hòa đã được các nhà khoa học trả lại đúng giá trị về lịch sử, khảo cổ. Nhưng cho đến nay cách chế tác và quy cách chơi “thạch cầm cổ” của người xưa như thế nào vẫn còn là một bức màn bí mật.

Tin cùng chuyên mục