Dân khiếu nại vì thay trạm biến áp

Một khó khăn lớn hiện nay của ngành điện TPHCM trong quá trình ngầm hóa lưới điện là cải tạo các trạm biến áp cũ (trạm giàn hoặc trạm treo 3 bình) thành trạm một trụ thân thép. Trạm biến áp một trụ hiện đại và an toàn, nhưng nhiều nơi người dân khiếu nại không đồng ý. Những bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại ở địa bàn dân cư đang được ngành điện và các địa phương áp dụng.
Dân khiếu nại vì thay trạm biến áp

Một khó khăn lớn hiện nay của ngành điện TPHCM trong quá trình ngầm hóa lưới điện là cải tạo các trạm biến áp cũ (trạm giàn hoặc trạm treo 3 bình) thành trạm một trụ thân thép. Trạm biến áp một trụ hiện đại và an toàn, nhưng nhiều nơi người dân khiếu nại không đồng ý. Những bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại ở địa bàn dân cư đang được ngành điện và các địa phương áp dụng.

Muốn tận dụng vỉa hè để buôn bán

Trên vỉa hè đường Cô Bắc (phường Cô Giang, quận 1), tuyến dây cấp điện đã được cải tạo để đảm bảo mỹ quan và an toàn. Tuy nhiên, ngay ranh nhà 134 (hiện là cơ sở sản xuất bánh mì Dậu) và liền kề với nhà 136 -138 vẫn tồn tại một trạm biến áp theo kiểu trạm giàn, tức máy biến áp được gác lên 2 trụ điện, chiếm khá nhiều diện tích vỉa hè. Ngành điện đã định cải tạo trạm này thành trạm một trụ thân thép theo thiết kế mới, an toàn, không chiếm diện tích, nhưng người dân có nhà nơi đây không đồng ý. Chúng tôi đến đây tìm hiểu nguyên do, chị bán bánh mì giải thích trạm biến thế cũ với máy biến áp treo bên trên, bên dưới vẫn còn có thể... tận dụng đặt được xe bánh mì bán trên vỉa hè. Nếu làm trạm mới, dù gọn hơn nhưng không vừa chỗ đặt xe bánh mì.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, than: “Từ năm 2014, công ty đã tiến hành cải tạo, tăng cường công suất trạm biến áp theo kiểu trạm thân trụ thép, rất an toàn và đảm bảo mỹ quan, nhưng chủ nhà 134 đường Cô Bắc không đồng ý. Công ty kết hợp với chính quyền phường mời chủ nhà lên làm việc, giải thích đủ điều, rồi họ đồng ý, nhưng khi thi công thì họ lại đổi ý, không cho làm”.

Ông Huỳnh Chí Cường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ, cũng cho biết: “Tình trạng dân chiếm dụng vỉa hè, kinh doanh ngay bên dưới các trạm biến áp là nỗi lo ngại của ngành điện. Nhiều trường hợp đã kiên trì vận động, thuyết phục nhưng vẫn không hiệu quả. Như tại trạm biến áp Chí Thanh 4 (trước công trình số 620 đường Nguyễn Chí Thanh, đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy) đang tồn tại một trạm biến áp theo kiểu trạm giàn. Bên dưới trạm có người chiếm dụng vỉa hè làm quán cà phê và xe bán cơm. Dù giải thích về hiểm họa, vận động chuyển nơi khác, họ vẫn không chịu di dời”.

Vì không muốn để trạm biến áp một trụ thân thép có diện tích 45 x 90cm choán chỗ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, nên nhiều hộ khiếu nại, không chịu cho thi công. Kết cục, lưới điện nhiều tuyến đường đã được ngầm hóa nhưng có đoạn lại… ngóc lên vì nguyên do này.

Buôn bán ngay dưới trạm biến áp tại số 620 đường Nguyễn Chí Thanh (đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy)

Thuyết phục cho người dân hiểu

Trên địa bàn TPHCM hiện có 25.506 trạm biến áp phân phối (15 - 22kV), trong đó phần lớn là trạm công cộng, đặt trên vỉa hè. Trong số đó vẫn tồn tại 6.014 trạm giàn, 4.410 trạm treo trên trụ. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, cho biết: “Dù là hình thức trạm cũ nhưng máy biến áp lên lưới vận hành đều là máy mới, đảm bảo an toàn về chất lượng. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, chúng tôi vừa báo cáo TP và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp với các quận, huyện tiến hành rà soát, kiểm tra để đảm bảo an toàn. Để khắc phục vướng mắc trong việc thay thế các trạm biến thế kiểu trạm giàn, trạm treo 3 bình sang trạm một trụ thân thép, ngành điện TP sẽ tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương giải thích cho người dân hiểu. Trạm biến áp thân thép một trụ không có dây lộ thiên, bên trong có thép và kính chống nổ, có máng hứng khi dầu tràn, nên rất an toàn. Chúng tôi sẽ giải thích để người dân đồng thuận vì chính sự an toàn của người dân”.

Trong việc thay thế trạm biến áp mới, biện pháp giải quyết khiếu nại là vừa vận dụng đúng quy định pháp luật vừa vận động, thuyết phục cho người dân hiểu. Theo đó, các công ty điện lực kết hợp với chính quyền địa phương và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm các công trình điện, nếu không giải tỏa, xử lý được phải báo cáo về TP. Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, kết hợp vận động tuyên truyền cho người dân hiểu về an toàn điện.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục