Là người lao động thu nhập thấp, tôi và nhiều bà con cùng giới trong xóm nhỏ vẫn cảm nhận được một cái tết khá trọn vẹn với nồi thịt kho trứng, bữa cơm gạo trắng thơm… Phải nói thật rằng, với giá cả ba ngày tết ngoài chợ, thật khó có chỗ cho người lao động như chúng tôi chọn lựa, mặc cả. Một ký thanh long giá ngày thường chừng 20.000 đồng nhưng đến sáng ngày 29 Tết đã vọt lên 40.000 đồng, quýt hồng loại thường cũng nhảy lên 45.000 đồng/kg và người bán không thèm trả lời với ai mặc cả hoặc giả người ta chỉ nói “tết mà…”.
Nơi chúng tôi có thể lo cho mâm cơm ngày tết là vào mua sắm tại siêu thị với chương trình bình ổn giá mà báo chí đã đề cập khá nhiều trước đó. Vào siêu thị, tôi có thể mua cân thịt đùi với giá rẻ hơn bên ngoài gần 10.000-20.000 đồng. Nghe nói sáng 29 hay 30 Tết, hệ thống siêu thị Co.opMart còn tiếp tục giảm giá thịt heo, nếu đúng vậy thì quả là “người bạn của bà nội trợ… nhà nghèo”. Đường trắng, dầu ăn, trứng… tôi cũng mua trong siêu thị, tính ra tiết kiệm khá nhiều chi phí và không phải đắn đo khi mua sắm. Ngay cả rau xanh, tôi cũng chọn mua trong siêu thị vì giá rẻ hơn ngoài chợ gần 10% và đảm bảo nguồn gốc. Có lẽ giá cả phù hợp với túi tiền người lao động nên đi mua sắm trong siêu thị dịp tết này có phần hơi vất vả khi người mua phải chen lấn khi mua, phải xếp hàng chờ tính tiền. Thôi, cực chút nhưng yên tâm về chất lượng và điều quan trọng là vừa túi tiền.
Nói thật, nhờ chương trình bình ổn giá của Nhà nước, những bà con nghèo như chúng tôi thật ấm lòng để hưởng một cái tết. So với những tết trước, chúng tôi không còn lo sợ chuyện đầu cơ hay thiếu hàng sốt giá ở chợ. Chính sách bình ổn giá của Nhà nước đã phát huy hiệu quả khi hướng đến mục tiêu an dân.
Cũng cần nói thêm rằng, để người dân yên tâm trong cuộc sống, chương trình bình ổn giá nên kéo dài sau tết vì theo lệ thường sau tết là thời điểm giá cả “đã lên nhưng không xuống”. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường việc kiểm tra, thực hiện các cam kết của một số doanh nghiệp, cửa hàng treo biển “bình ổn giá” nhưng giá bán luôn mắc hơn siêu thị.
Ngoài ra, nếu người nghèo ở nội thành có thể đi siêu thị để lo cho bữa ăn vừa túi tiền, Nhà nước cần mở rộng chương trình bình ổn giá đến các vùng sâu vùng xa để lo cho người nghèo ngoại thành; không chỉ bình ổn giá 8 mặt hàng cơ bản như thịt, gạo, đường… mà cần mở rộng ra nhiều mặt hàng khác để người dân thuận tiện mua sắm.
VĂN THỊ CÔNG (quận 8)