
Đã có một thời chưa xa lắm, đàn ông Hà Nội đi chợ khá nhiều. Mua có, bán có, ngó nghiêng xem xét cũng nhiều. Đó là thời kỳ bao cấp kéo dài suốt từ khoảng năm 1960 cho đến tận những năm cuối cùng của thập niên 80. Thực phẩm và nhu yếu phẩm được bán phân phối bằng tem phiếu. Ngoài chợ chỉ lèo tèo vài mớ rau, mấy con cá đồng, cua đồng và ốc, hến. Đàn ông Hà Nội được các hiền thê tin tưởng giao cho việc đi chợ mà không sợ nhầm lẫn, đắt rẻ gì cả. Mua hàng mậu dịch dĩ nhiên có muốn mặc cả cũng không được. Mua mớ rau, xóc cua ngoài chợ đã có giá được vợ dặn kỹ từ nhà. Không ai nỡ bán đắt cho đàn ông. Thực ra có muốn bán đắt cũng không được. Vài bà nội trợ sẵn sàng bỏ việc nhà, cất bớt cả đoan trang nhã nhặn đạp xe ra chợ lu loa trả lại hàng. Các bà bán hàng ở chợ dù cân điêu bán đắt hàng ngày nhưng nếu bị phát giác bán đắt cho đàn ông thì hình như là một nỗi hổ thẹn lớn. Bị vạch mặt một lần như thế là cạch đến già. Đàn bà Việt rất hiếm khi “bắt nạt” được đàn ông ở chỗ họ luôn là thiểu số so với những đàn bà bảo vệ người đàn ông của mình.

Minh họa: ANH DŨNG
Ở các cửa hàng mậu dịch, đương nhiên phải xếp hàng. Đây là công việc mà đàn ông sợ nhất. Nhưng thực ra ngồi nhà nhặt rau, vo gạo còn thảm hại hơn nhiều. Có bạn đến chơi lúng túng chùi tay vào quần đùi cháo lòng rồi mới dám bắt tay nhau. Ngượng không biết để đâu cho hết. Đấy là còn chưa kể câu tục ngữ ngày xưa nói về loại đàn ông như thế: “Làm trai rửa bát quét nhà/ Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây”. Cho nên, nếu có bị nội tướng ở nhà sai đi chợ thì cứ chấp hành là hơn. Hình ảnh một giáo sư đại học lúc ấy đi ngang sân trường một bên túi quần nhũng nhẵng hai quả trứng, bên kia mấy ngọn hành thò ra không còn quá lạ với sinh viên Hà Nội.
Thế nhưng lúc ấy vẫn có một lực lượng đàn ông xếp hàng chuyên nghiệp. Đó là các bác thương binh luôn được xếp riêng một hàng ưu tiên. Không hẳn là ưu tiên tuyệt đối. Nhân viên mậu dịch sẽ phục vụ từng người một cho mỗi bên. Lúc hết hàng, cả ưu tiên lẫn dân thường đều phải giải tán.
Giờ thì hiếm khi thấy đàn ông đi chợ mua sắm thực phẩm. Cùng lắm chỉ nhìn thấy vài anh chồng trẻ lịch sự chải chuốt loanh quanh trong siêu thị đẩy hộ vợ chiếc xe chở hàng. Cũng là một công đôi việc. Anh ấy thể nào cũng nhanh tay chọn vài chai rượu hoặc két bia bỏ thêm vào giỏ hàng. Đằng nào thì cũng tiền mình trả thôi nhưng chờ các bà tự giác trong chuyện cung ứng rượu bia là điều muôn năm hiếm.
Đàn bà thống lĩnh chuyện chợ búa như từ ngàn xưa vẫn vậy. Ngạc nhiên ở chỗ bây giờ mọi thứ có thể dặn hoặc gọi điện cho người bán mang hàng đến tận nhà nhưng đàn bà vẫn luôn thích có mặt ở chợ. Nhiều hôm khệ nệ tay xách quả bí, tay ôm túi gạo đi không nổi lại phải gọi điện cho đàn ông ở nhà ra đón. Mà nguyên nhân chỉ là nghe đài báo sắp có cơn bão tràn vào. Thời bao cấp qua lâu rồi nhưng thói quen “tích cốc phòng cơ” vẫn còn nguyên! Các bà chẳng cần biết đến chuyện chỉ một cuộc điện thoại báo địa chỉ thôi là bí xào, bí luộc, bí nấu canh và cơm hôi hổi nóng người ta mang đến tận nhà dù bão cấp bao nhiêu đi nữa.
Thế nhưng, đàn ông bây giờ có chợ của riêng mình. Những chợ hoa, cây cảnh, thú cưng trên mạn Hoàng Hoa Thám và Tứ Liên luôn tấp nập cánh đàn ông. Chợ hoa ngày tết rải rác trong khắp thành phố cũng thường đông đảo đàn ông đi mua sắm. Ngoài người bán ra, rất hiếm đàn bà đi chợ ấy. Chứng kiến đàn ông ở những chợ như vậy mặc cả cho món hàng mình mua thì đến chính đàn bà cũng phải bất ngờ. Và càng thêm tin yêu vào phẩm chất tiết kiệm của đức lang quân nhà mình.
Chợ xe máy và đồ điện tử cũ cũng gần như là của riêng đàn ông, cả người mua và người bán. Với quy mô rất lớn tập trung toàn đàn ông ở đấy có cảm giác chuyện đấu tranh cho bình đẳng giới ở khu vực chợ búa hình như đã đạt được thành công đáng kể? Chị em có gì phải lăn tăn nghĩ ngợi nữa nào?
ĐỖ PHẤN