Đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2012 các tỉnh phía Bắc - Khối C thất sủng, trường địa phương lên ngôi

Đăng ký dự thi ĐH-CĐ 2012 các tỉnh phía Bắc - Khối C thất sủng, trường địa phương lên ngôi

Hôm qua 10-5, tại Hà Nội, các sở GD-ĐT đã bàn giao hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 cho các trường ĐH-CĐ. Điểm chung nổi bật là số lượng hồ sơ giảm rõ rệt so với năm 2011; cùng với đó, trong khi thí sinh có tâm lý “né” trường tốp trên thì các trường địa phương thực sự “lên ngôi” trong kỳ tuyển sinh năm nay. Và cũng như nhiều năm gần đây, thí sinh vẫn đổ dồn vào khối A trong khi khối C rất lèo tèo.

Hồ sơ giảm mạnh

Ghi nhận chung ở hầu hết các sở GD-ĐT phía Bắc cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào ĐH-CĐ năm nay giảm nhiều so với năm 2011, số lượng một thí sinh nộp nhiều hồ sơ cũng giảm.

Thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Sở GD-ĐT TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
Thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Sở GD-ĐT TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Đơn cử, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận gần 164.000 bộ hồ sơ ĐKDT, ít hơn 2.000 bộ so với năm 2011. Nam Định nhận 52.231 bộ, giảm 7.000 bộ so với 2011. Tỉnh Phú Thọ nhận 20.962 hồ sơ, giảm 3.500 bộ so với năm 2011. Tương tự, Ninh Bình nhận 19.435 bộ (giảm khoảng 3.000 bộ); Thái Nguyên nhận 25.635 bộ (giảm khoảng 3.000). Số hồ sơ của Hải Dương là trên 30.000 bộ, giảm khoảng 1/3 so với năm 2011. Vĩnh Phúc nhận 25.529 hồ sơ, giảm 5.000 bộ so với năm 2011; Thái Bình nhận 48.404 hồ sơ, giảm 2.000; Hải Phòng nhận 39.318 hồ sơ, giảm khoảng 3.000; Thanh Hóa nhận 79.130 hồ sơ, giảm 11.210... Một số tỉnh khác cũng giảm nhưng ít hơn như Yên Bái (nhận 10.787 hồ sơ, giảm khoảng 500); Lào Cai (nhận 9.356, giảm 65 hồ sơ).

Đánh giá chung của nhiều địa phương cho thấy, tình trạng mỗi học sinh nộp 4-5 bộ hồ sơ vẫn còn, song không phổ biến như vài năm trước. Hầu hết học sinh khi ĐKDT đều đã cân nhắc kỹ nguyện vọng và khả năng thực tế của bản thân. Điều này mở ra khả năng việc chọn trường của thí sinh “đúng” và “trúng hơn”, giúp giảm số hồ sơ ảo.

Cùng với lượng hồ sơ giảm, ghi nhận chung cho thấy thí sinh vẫn chuộng thi khối A, B hơn, khiến tình trạng dự thi vào khối C ngày càng lèo tèo. Trong số 164.000 hồ sơ ĐKDT của Hà Nội, khối A chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,07%, tiếp theo là các khối: D (24,51%), khối B (14,22%) và khối C (4,54%). Tại Nam Định, trong số 52.231 bộ hồ sơ ĐKDT khối A có 29.456 bộ; khối B 10.098 bộ; khối C chỉ hơn 2.000 bộ. Tình trạng này cũng tương tự tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng chỉ có 1.200 hồ sơ khối C trên tổng số 39.318 hồ sơ đăng ký; Thanh Hóa khối C có 6.336 hồ sơ, chiếm 8,01% trong tổng số  79.130 hồ sơ; hồ sơ dự thi khối C của Thái Bình cũng chỉ chiếm 10%...

Đáng chú ý, khối A1 năm nay chưa nhận được sự hào hứng của thí sinh. Nam Định chỉ có gần 1.600 bộ hồ sơ ĐKDT khối này, Lào Cai khối A1 chỉ có 212 hồ sơ, Thái Bình chỉ khoảng 1.000 hồ sơ...

Né đại học tốp trên

Ghi nhận tình hình tại các tỉnh cho thấy, thí sinh dường như biết lượng sức hơn trong việc ĐKDT, thể hiện qua tâm lý “né” trường tốp trên, chuộng trường gần nhà và trường tốp giữa. Ngoài ra, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tiếp tục là ưu tiên số 1 của nhiều thí sinh phía Bắc, tiếp đến là ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Công đoàn, Thương mại...

Đơn cử, tại Nam Định, 5 trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất lần lượt là ĐH Công nghiệp Hà Nội (4.485 HS); ĐH Nông nghiệp Hà Nội (3.917 HS); ĐH Điều dưỡng (2.425 HS); ĐH Thủy lợi (2.076 HS); ĐH Thương mại (2.054 HS). Tại Quảng Ninh, thí sinh tỉnh này chuộng nhất ĐH Công nghiệp Quảng Ninh (2.689 HS), tiếp đến là ĐH Công nghiệp Hà Nội (1.185 HS). Tương tự, tại Phú Thọ, thí sinh tỉnh này cũng ưu tiên số 1 cho ĐH tỉnh nhà là ĐH Hùng Vương với 3.595 HS; ĐH Công nghiệp Việt Trì 1.158 HS, tiếp đến là ĐH Công nghiệp Hà Nội (1.533 HS) và ĐH Nông nghiệp Hà Nội (1.191 HS). Hay tại Yên Bái, hai trường chiếm lượng hồ sơ nhiều nhất là CĐ Sư phạm Yên Bái (1.145 HS) và ĐH Thái Nguyên (1.262 HS). Tại Điện Biên, thí sinh chuộng nhất là ĐH Tây Bắc và CĐ Sư phạm Điện Biên. Đặc biệt tại Thái Nguyên, hồ sơ ĐKDT vào ĐH Thái Nguyên chiếm quá nửa tổng số hồ sơ địa phương này thu nhận được (17.111 HS vào ĐH Thái Nguyên trên tổng 25.635 HS)…

Các trường tốp trên với điểm chuẩn cao như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương… chỉ còn là sự lựa chọn của những thí sinh có học lực thực sự khá.

Điều đáng mừng là năm nay, lượng thí sinh vào khối nông - lâm nghiệp tăng đáng kể. Đây thực sự là cơ hội đối với các ĐH vùng, ĐH địa phương, những trường tốp giữa khi sức hút của họ đối với thí sinh ngày càng lớn.


LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục