Dành đất sạch xây nhà cho công nhân

Ngày 23-8, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đi khảo sát thực tế đời sống công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Tại đây, nhiều vấn đề đã được trao đổi liên quan đến đầu tư hạ tầng xã hội bao gồm nhà lưu trú, trạm y tế, trường học đặc biệt là những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động…
Dành đất sạch xây nhà cho công nhân

Ngày 23-8, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đi khảo sát thực tế đời sống công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Tại đây, nhiều vấn đề đã được trao đổi liên quan đến đầu tư hạ tầng xã hội bao gồm nhà lưu trú, trạm y tế, trường học đặc biệt là những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động…

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng thăm hỏi và xem nhà lưu trú công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Đời sống công nhân chưa được chăm sóc tốt

Đơn cử, với hơn 63.000 công nhân đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận nhưng chỉ có 518 phòng lưu trú, công suất tiếp nhận 3.246 người. Nhiều doanh nghiệp nhà nước quan tâm đến thực trạng này và đã xây nhà lưu trú cho công nhân. Những ngôi nhà như vậy thu hút được khá nhiều công nhân vào ở, đạt tới 90% so công suất nhưng phòng ở lại chật hẹp và chỉ phù hợp với người độc thân. Nhà lưu trú do doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư có không gian rộng hơn nhưng những quy định về thời gian ra vào và nhiều quy định sinh hoạt khác chưa phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân nên không thu hút được nhiều công nhân vào ở. Cho đến nay, có những khu nhà chỉ hoạt động đạt 30% công suất. Phần lớn công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận đã thuê nhà hoặc phòng trọ tại các khu dân cư liền kề với giá từ 700.000 - 2,2 triệu đồng/phòng. Chi phí này đang trở thành gánh nặng cho nhiều công nhân vốn có mức lương phổ biến từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Không những gặp khó khăn về chỗ ở, việc gửi con đi học của nhiều công nhân tại đây cũng hết sức khó khăn. Hiện toàn khu chỉ mới xây dựng trường mầm non với quy mô 17 phòng học, tiếp nhận được 510 trẻ em. Đây là con số rất thấp so với nhu cầu thực tế.  

Đại diện Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, từ những bất cập trên cộng với một số gút mắc về quyền lợi lao động chưa được giải quyết kịp thời giữa người lao động và chủ DN, nên từ đầu năm 2016 đến nay đã có 2 cuộc đình công. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ đình công có giảm 1 cuộc so với năm 2015 nhưng nguy cơ xảy ra những cuộc đình công tự phát như trên vẫn tồn tại. Bởi lẽ, có một thực  tế: nhiều quyền lợi về thu nhập và chế độ phụ cấp của công nhân chỉ được chủ DN giải quyết sau khi đã có đình công. Đã vậy, vai trò của lực lượng công đoàn trong đại diện quyền lợi cho người lao động còn hạn chế vì như ông Lê Văn Lâm, Phó trưởng Công an quận 7, cho biết: Đa số lực lượng công đoàn hưởng lương từ giới chủ nên tiếng nói của công đoàn với giới chủ rất hạn chế.

Công nhân khám bệnh tại phòng khám đa khoa trong Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG

Ngoài những khó khăn liên quan đến việc chăm lo đời sống cho công nhân thì hoạt động thu hút đầu tư của Khu chế xuất Tân Thuận cũng đang khó. Cản ngại lớn nhất là quy định không cấp phép đầu tư cho những ngành như cơ khí, chế tạo chính xác, các ngành liên quan đến công nghệ sinh học… vào khu chế xuất. Trong những trường hợp đặc biệt, DN phải xin phép Bộ KH-ĐT. Hạ tầng của khu được đầu tư 25 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị ngập. Tình trạng kẹt xe trước khu công nghiệp ngày càng trầm trọng. Hiện nay, trung bình mỗi xe container chỉ thực hiện được 2 chuyến/ngày thay vì 5 chuyến/ngày như trước đây, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu suất kinh doanh của DN…

Tháo gỡ kịp thời gút mắc của công nhân

Để giải quyết các khó khăn cho Khu chế xuất Tân Thuận, về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho biết, quận sẽ điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên địa bàn. Trước mắt có thể bố trí quỹ đất sạch khoảng 10ha, mời nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Ngoài ra, ông Lê Hòa Bình cũng cho biết, quận luôn quan tâm tới các công nhân đang thuê nhà bên ngoài với việc bố trí cho con công nhân học tập tại hệ thống trường công lập của quận, khám chữa bệnh cho công nhân tại các trạm y tế. 

Đồng chí Đinh La Thăng hoan nghênh việc làm của quận 7 và chỉ đạo xây dựng nhà lưu trú cho công nhân phải linh động hơn. Diện tích nhà nên từ 30 - 60m² để không chỉ phù hợp với người độc thân mà còn đảm bảo nhu cầu ở cho những công nhân có gia đình. Giá thành nhà lưu trú cần tính toán hợp lý ở mức trên dưới 100 triệu đồng/căn hộ. Người công nhân có thể thuê, mua và mua trả góp. Đồng chí Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Liên đoàn Lao động TPHCM làm tốt công tác xây dựng các tổ chức công đoàn trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài; nắm bắt kịp thời những gút mắt của công nhân để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ quyền lợi của công nhân, tránh tiếp diễn tình trạng đình công tự phát. UBND quận 7 phải gấp rút xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà trọ để đưa ra kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Khuyến khích xã hội hóa nhưng phải đảm bảo xây dựng theo quy định, chất lượng công trình tốt, giá cho thuê hợp lý. Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc chăm lo đời sống cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận nói riêng và công nhân trên toàn thành phố nói chung phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các sở ban ngành, tổ chức liên quan.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục