Dành quỹ đất cho giáo dục, bảo đảm 300 phòng học/10.000 dân

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông; bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, bảo đảm tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Chiều 14-8, báo cáo tại hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học 2019-2020 trên địa bàn TPHCM, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Triệu Lệ Khánh cho biết, qua khảo sát về tình hình giáo dục tại các quận 7, 10, Tân Phú và tham quan mô hình trường lớp của một số trường trên địa bàn, cho thấy công tác giáo dục - đào tạo được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, dành quỹ đất đáng kể cho giáo dục.

Các quận cũng bố trí ngân sách xây dựng và sửa chữa trường lớp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên và tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi đi học, kể cả các em tạm trú trên 6 tháng; huy động 100% trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non và trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

Ngoài ra, các quận cũng thực hiện tốt chế độ miễn giảm học phí cho con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình dân tộc Chăm và Khmer… Kết quả khả sát cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh học 2 buổi ngày chưa đảm bảo, công tác tuyển giáo viên chuyên ngành như anh văn, âm nhạc, mỹ thuật không bảo đảm…

Tại hội nghị, đại diện MTTQ các quận, huyện nêu nhiều kiến nghị đối với các ngành, các cấp cần tập trung, quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa công tác giáo dục - đào tạo. Trong đó, kiến nghị với Bộ GD-ĐT có quy định biên chế về giáo dục viên tư vấn và giáo dục viên y tế trong các trường phổ thông, sửa đổi quy định chỉ cho xây dựng trường học tối đa là 3 tầng vì thực tế hiện nay quỹ đất cho giáo dục rất hạn hẹp, trong khi sĩ số học sinh ngày một tăng cao; có cơ chế mở điều chỉnh quy hoạch đất giáo dục để các quận, huyện có tỷ lê tăng dân số cơ học thực hiện xã hội hóa giáo dục và đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu giảng dạy thời công nghệ 4.0.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đồng tình với kết quả khảo sát còn một số hạn chế như: Các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường quá lớn; một số trường sân chơi chật chội, không thoải mái, khu vệ sinh quá bẩn; chương trình dạy thiếu các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kiến thức giới tính; việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở một số trường chưa đúng thực chất, còn nặng về thành tích, vẫn còn áp lực thi cử, cần dành thêm thời gian học ngoại khóa, kỹ năng sống…

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá cao kết quả giáo dục, đào tạo của thành phố trong năm qua, ghi nhận kết quả các kiến nghị của MTTQ các cấp trong năm học 2018-2019 đạt được, trong đó có gần 1.000 lớp học các cấp được sửa chữa, xây mới, góp phần bảo đảm 100% học sinh trên địa bàn có đủ chỗ học.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu yêu cầu MTTQ các quận, huyện cần phối hợp tốt với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân đưa trẻ đến trường, bảo đảm 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% trẻ hoàn thành chương trình bậc tiểu học; huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, không để trường hợp nào khó khăn mà không đến trường học; giám sát mức điều chỉnh thu học phí bậc nhà trẻ, THCS và bổ túc THCS tại các trường công lập và các khoản của trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh…

Đối với ngành giáo dục - đào tạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông; bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, bảo đảm tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân; nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tối đa các trường chất lượng thấp; quản lý tốt các trường học khu vực ngoài công lập; phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, an toàn trước cổng trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, bảo đảm sức khỏe cho học sinh đến trường.

Sáng cùng ngày, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 giáo dục mầm non. Theo đó, năm học 2018-2019, toàn TP đưa thêm vào sử dụng 75 trường mầm non. Tỷ lệ trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập chiếm 42,5%. TP có 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn.

Năm học 2018-2019, mặc dù TP đã tuyển bổ sung 1.702 giáo viên so với năm học trước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy của các quận huyện, dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp đông, chưa đảm bảo tỷ lệ giáo viên/trẻ theo quy định của Bộ GD-ĐT, số trường được công nhận chuẩn quốc gia mới đạt tỷ lệ 12% tổng số trường mầm non toàn TP. Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP, năm học 2019-2020 TP sẽ tập trung mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp; đồng thời quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...

Ngày 14-8, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm học 2020-2011, sẽ thực hiện dạy sách giáo khoa lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, năm học này, ngành giáo dục sẽ tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học sau; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...

THU TÂM - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục