
Đỉnh Mẫu Sơn, cách mặt đất 1.541m, là nơi duy nhất chiêm ngưỡng được khoảnh khắc biến ảo của mặt trời từ buổi rạng đông đến hoàng hôn trong ngày. Mẫu Sơn không có nhiều thác ghềnh, hồ nước, rừng thông như Đà Lạt, Sa Pa nhưng lại nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ với hàng trăm quả núi lớn nhỏ, bởi những phong tục, tập quán độc đáo của người Dao đỏ, Nùng, Tày... vẫn còn nguyên bản sắc.

Chiều trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: T.T.D.
Lối mòn lên ngọn đồi nhỏ bên khu nghỉ mát Mẫu Sơn, hoa sim, hoa mua mọc chen chút. Chiều xuống dần dần, mặt trời đỏ rực, tựa khối cầu lửa nghiêng mình về phía tây, rải rác đây đó bên sườn núi, những ngôi nhà tranh của bản làng người Dao đỏ. Khung cảnh êm ả, yên bình gợi lên cảm xúc thân thương gần gũi. Ở hướng nam, đường sá, cây cối, biệt thự chìm khuất giữa biển mây mênh mông, vài chiếc xe du lịch xuôi ngược, như trôi bồng bềnh trên sóng nước. Chẳng ai có thể hình dung đâu là trời, đâu là hạ giới.
Núi Mẫu Sơn nằm trên địa giới 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn 30 km về hướng đông, bao gồm 14 km đường đèo. Nhiệt độ trung bình 150 c, khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nghỉ dưỡng. Năm 1935, bác sĩ người Pháp Opilot đã cho xây dựng tại đây, ngôi biệt thự nhỏ nhìn ra thung lũng phía đông.
Không lâu sau đó, hàng loạt biệt thự của quan chức Pháp mọc lên vừa làm nơi lưu trú, vừa làm nhà nghỉ tiếp khách du lịch. Cuối tháng 12 năm 2002, nhiệt độ Mẫu Sơn xuống dưới 00c, lần đầu tiên Mẫu Sơn có tuyết rơi đầy trên đỉnh núi, qua năm 2004 băng tuyết tiếp tục rơi, năm 2005 vẫn thế. Liên tiếp ba năm, báo đài chạy tin tuyết rơi như một sự kiện trọng đại làm nức lòng lữ khách mọi miền và thật sự đánh thức tiềm năng du lịch Mẫu Sơn sau giấc ngủ tròn bảy mươi năm.
Đến Mẫu Sơn, thú vị nhất là lang thang qua những góc phố, ngắm nhìn những ngôi biệt thự cổ kính, mà thời gian đã in đậm nét rêu phong trên từng mảng tường, viên đá chẻ hoặc đến “chợ trời” vốn là các “gian hàng thổ cẩm” của người Dao đỏ thường di động ở khắp nơi: khách sạn, bên lề đường, dưới hàng cây... Họ khá vụng về trong việc chào mời, buôn bán song rất thân thiện và hồn nhiên trò chuyện khi khách muốn tìm tòi, trao đổi. Xa xa, tận đầu dốc, một nhóm khách miền xuôi đang xúm xít, bàn tán chung quanh đôi vợ chồng trẻ rao bán hai tổ trứng ong vò vẽ.
Nghe đồn, loại ong này độc hại có tiếng, khỏe như trâu vẫn phải gục chết nếu chẳng may bị đốt, thế nhưng nó lại là món ăn đặc sản độc đáo tại đây. Ngoài sáp ong, nhộng (một dạng trứng chưa nở), ong thợ dùng để ngâm rượu bồi bổ, người ta khai thác thêm mật ong hoặc bắc chảo làm món nhộng, ong non chiên giòn nhấm với rượu Mẫu Sơn thì ngon “bá cháy”.
Buổi tối, sương mù giăng kín, trời trở lạnh, không gì bằng rủ nhau đi tắm nuớc thuốc người Dao. Theo anh Phạm Văn Bảy - quản đốc khách sạn 9 Gian, thuốc tắm gồm 30 vị dược thảo , có nhiều hoạt tính, mọc dại giữa đại ngàn. Người Dao sau khi hái lượm, thường sắc nhỏ và sấy khô nhiều lần. Lúc cần dùng, thuốc được hòa chung nước ấm với nhiệt độ 30 đến 350 c, người tắm chỉ việc ngâm mình trong bồn vài mươi phút, tức khắc tinh thần sảng khoái, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan đi.
Buổi sáng, chúng tôi xuống núi mang theo niềm vui của kẻ khám phá ra nhiều điều kỳ thú về vùng đất được mệnh danh “Nóc nhà xứ Lạng”. Nhưng vẫn canh cánh trong lòng nỗi suy nghĩ vu vơ: tuyết có còn tiếp tục rơi như mọi năm, khi mùa đông đã gần kề?
THẾ DŨNG