Đạo diễn Lê Hùng Phương: Chậm nhưng chắc

Tốt nghiệp khóa đạo diễn năm 2000, đạo diễn Lê Hùng Phương, từng đạo diễn nhiều phim truyện truyền hình, trong đó có những phim được khán giả chú ý và đạt tỷ lệ người xem rất tốt như: Chuyện tình công ty quảng cáo, Mưa đầu mùa, Đò dọc, Màu của tình yêu, Đâu phải chia ly.... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với anh xung quanh những dự án phim truyền hình mà anh đang thực hiện.
Đạo diễn Lê Hùng Phương: Chậm nhưng chắc

Tốt nghiệp khóa đạo diễn năm 2000, đạo diễn Lê Hùng Phương, từng đạo diễn nhiều phim truyện truyền hình, trong đó có những phim được khán giả chú ý và đạt tỷ lệ người xem rất tốt như: Chuyện tình công ty quảng cáo, Mưa đầu mùa, Đò dọc, Màu của tình yêu, Đâu phải chia ly.... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với anh xung quanh những dự án phim truyền hình mà anh đang thực hiện.

Đạo diễn Lê Hùng Phương: Chậm nhưng chắc ảnh 1

Đạo diễn Lê Hùng Phương


Phóng viên: So với các bạn học cùng khoa đạo diễn với anh như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Võ Tấn Bình, Lê Bảo Trung... có vẻ anh không nổi tiếng bằng và cũng chưa có phim nào chiếu rạp như các bạn đồng môn. Anh có cảm thấy chạnh lòng không?

Đạo diễn Lê Hùng Phương:
Đúng, những bạn bè ấy của tôi rất nổi tiếng, lớp tôi ra trường đúng thời điểm phim ảnh Việt đang được khán giả ủng hộ và điều đó khiến tôi vui mừng. Nhưng còn những đồng môn khác làm sản xuất, rồi đạo diễn các thể loại phim khác, chẳng lẽ ai cũng chạnh lòng. Theo tôi, mỗi người có sự cống hiến riêng cho nghệ thuật. Tôi cũng có dự án phim nhựa - chiếu rạp (khác với phim chiếu rạp - không phải nhựa - PV), nhưng tình hình hiện nay đang nhà nhà làm phim, làm đạo diễn, từ đầu năm không nhiều phim thắng về doanh thu. Chính vì thế tôi đã xin nhà sản xuất tạm ngưng. Tôi không thể vì tôi mà nhà sản xuất mất tiền, dù là 1 triệu đồng! Tôi đi theo đường của mình, có thể chậm, nhưng chắc hơn.

Anh tâm đắc và thấy mình làm tốt nhất với thể loại phim gì?

Tôi không thuộc tuýp người mà thể loại phim nào cũng lao vào làm cho bằng được. Tôi muốn được lựa chọn kịch bản mà mình thích. Chính vì thế, năm 2008, tôi từng từ chối 9 phim truyền hình vì nhiều lý do: kịch bản dở, đề tài không mới, không được chọn diễn viên chính - thứ. Tôi quan niệm, mình tạo nên sự nổi tiếng cho diễn viên, chứ không dựa vào diễn viên để nổi tiếng. Ngoài ra, có phim yêu cầu tôi làm một ngày một tập. Đó là làm ẩu, tôi không chấp nhận được. Tôi thích làm phim thể loại tâm lý, tình cảm lãng mạn, pha chút hình sự hoặc các đề tài chuyên về Nam bộ. Với phim điện ảnh, tôi thích thể loại hình sự, kinh dị.

Bồng bềnh trên sông có đề tài về bảo vệ môi trường, một đề tài có vẻ khá khô khan. Điều gì khiến anh nhận lời làm đạo diễn phim này?

Tôi chọn kịch bản này vì nó mang đậm nét miền Tây, gần với sự trải nghiệm và thời sinh viên của tôi. Thực ra, lần đầu đọc kịch bản này, tôi thấy kịch bản không hay nhưng cái lõi kịch bản có thể cho mình sửa tốt hơn. Đề tài tưởng chừng khô khan nhưng không lỗi thời. Thử hỏi, đề tài này - về rác thải, nguồn nước thì 20 năm nữa chắc đã có ai làm mà vẫn không khô và không chán?!  Vấn đề là biết cài cắm vào tính cách và hoàn cảnh của nhân vật. Tôi nhận làm phim này vì tứ kịch bản rặt Nam bộ, tôi được mượn nhân vật nói lên giọng văn, ý tứ, thuần phong, tập quán của người dân miền Tây quê tôi, vì tôi sợ bị ... thất truyền!

Một bộ phim mà bối cảnh chính đều ở trên sông, có là quá khó với ê kíp đoàn phim và đâu là kỷ niệm đáng nhớ với anh về bộ phim này?

Bối cảnh và câu chuyện phim đa số diễn ra trên sông, chèo thuyền, bơi xuồng vớt phế liệu, tắm sông, cướp trên sông... nên ê kip quay quá cực khổ. Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi ấn tượng với ba diễn viên chính của phim là Trung Dũng, Phạm Kiều Khanh và Phan Như Thảo. Khi phim quay xong, cả ba bạn còn biết làm thiết kế, biết đánh phản quang, biết nhớ rắc - co thay thư ký luôn. Những lúc quay trên sông nước, khó xoay trở, rất nhiều lần diễn viên đã tự làm thay các tổ (ánh sáng, thiết kế, trang phục, hóa trang) cho nhanh.

Có vẻ thời gian này, phim truyện truyền hình đang bị chững lại, theo anh vì sao?

Phim truyền hình chững lại có nhiều lý do: Game show mọc lên như nấm và tất cả các loại hình ca nhạc, hài được khai thác triệt để. Trong khi đó, một số đạo diễn và nhà sản xuất phim làm ẩu, kịch bản không được coi là yếu tố quan trọng. Kinh phí sản xuất, lương đạo diễn và ê kíp không theo kịp trượt giá thị trường.

Đội ngũ diễn viên, đạo diễn phim truyền hình hiện nay ít có nhân tố mới nổi bật, ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Có nhiều phim hay được phát  sóng, nhưng nhân tố mới không có, bởi hiện nay đa phần đều muốn làm phim chiếu rạp. Những nhà làm phim trẻ có quyền mơ ước và có quyền... trả giá. Phim chiếu rạp đang được sản xuất ào ào và game show thì phát triển như vũ bão. Đổ thừa cho diễn viên thì tội họ. Ít kịch bản hay, phim rạp làm nhanh (tiền cát xê có thể ít hơn so với phim truyền hình, nhưng ít mà nhanh); tham gia game show có thể mất 1 tháng, nhưng xong chương trình là nổi tiếng. Còn tính đường dài và cái gọi là nhân tố đột phá thì tính sau đi! Thời đại công nghệ mà. Theo tôi, hiện truyền hình và game show, phim rạp đang rơi vào vòng nước xoáy để tồn tại nhưng sẽ thoái trào thôi.

Anh có nghĩ đến việc tham gia làm phim điện ảnh?

Có nhà sản xuất đang mời tôi làm phim chiếu rạp, nhưng tôi phải tạm xin lỗi vì đang có dự án phim truyền hình và một phim nhựa bị dời 2 năm nay. Hiện dự án phim nhựa đã có 80% vốn của hai nhà đầu tư. Đó là một phim chiếu rạp có kinh phí thấp, nội dung hấp dẫn.

NHƯ HOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục