Đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy qua đời ở tuổi 82

Theo biên kịch Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, đồng thời là em gái ông, đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy qua đời lúc 12 giờ 18 phút ngày 27-1 tại nhà riêng.

Biên kịch Dương Cẩm Thúy tiết lộ, ngoài tuổi cao sức yếu, ông còn mắc bệnh hiểm nghèo. Một thời gian trước khi qua đời ông vẫn đang chạy chữa.

Theo tiết lộ từ phía gia đình, tang lễ đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy dự kiến được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Phường 3, Gò Vấp, TPHCM). Hiện gia đình đang chuẩn bị các thủ tục cho tang lễ.

le-van-duy-4043.jpg
Đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy

Trước đó, chị Dương Thảo Quỳnh Như - con gái đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy có thông báo trên trang cá nhân tình trạng ông khá nguy kịch và đang được điều trị tại nhà.

“Mình nguyện cầu cho ba mình đừng đau đớn nữa. Chứng kiến ba đau thật sự là chịu không nổi mọi người ơi! Mong ba đừng đau nữa và thoát ra khỏi cơn đau. Nước mắt chảy ngược vào trong, mình không thể khóc trước mặt ba”, dòng trạng thái được chị Dương Thảo Quỳnh Như chia sẻ trên trang cá nhân một ngày trước khi ông qua đời.

Đạo diễn, NSƯT Lê Văn Duy sinh ngày 15 tháng 9 năm 1942, là một đạo diễn, nhà biên kịch, nhà văn. Ông là em trai của nhà văn Lê Văn Thảo (tên thật Dương Ngọc Huy) và là anh trai của biên kịch Dương Cẩm Thúy.

Ông được biết đến qua các bộ phim truyện điện ảnh nổi tiếng: Phượng, Người không mang súng, Khoảng vượt, Bông lục bình, Ngoại ô, Trái đắng, Viên ngọc Côn Sơn...

Đặc biệt, bộ phim Phượng của ông đã nhận giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983.

le-van-duy-1-4966.jpg
Những năm cuối đời, ông có niềm đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh

Ông tên thật là Dương Ngọc Chúc, sinh ra tại Long An trong một gia đình có 5 anh chị em trong đó có nhà văn Dương Ngọc Huy và nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy.

Năm 1962, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, ông tham gia hoạt động văn nghệ cách mạng và từng là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ông từng làm giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Tổng thư ký Hội Điện ảnh TPHCM.

Ngoài phim truyện điện ảnh, ông còn là đạo diễn phim tài liệu với các phim: Người về sau chiến tranh, Một vùng cổ tích, Thoại Ngọc Hầu, Giáo sư Trần Văn Khê; đạo diễn phim truyện truyền hình: Tình đất Củ Chi, Nắng đỏ hay vai trò biên kịch của các phim: Tiếng hát dọc đường, Những ngày ở Bảy Núi, Khúc ca mùa xuân, Sống với quê hương

Ông cũng là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Người đàn bà trong tôi, Chuyện tình ở Côn Sơn, Tuổi thơ tôi, Thời trốn nắng, Thủy triều đỏ, Hỏa châu xanh, Đồi Giáng hương, Sài Gòn mùa thu xanh

Sau này khi đã cao tuổi, không còn làm phim, ông chuyển sang niềm đam mê nhiếp ảnh.

Tin cùng chuyên mục