Đạo diễn Phan Đăng Di:“Không khí Cannes cho tôi thêm hưng phấn…”

Đạo diễn Phan Đăng Di:“Không khí Cannes cho tôi thêm hưng phấn…”

Trở về từ Liên hoan phim (LHP) Cannes 2008 cùng với nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm (Hãng Chánh Phương) và người của Công ty BHD, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Phan Đăng Di (ảnh) hồ hởi cho biết, Bi ơi, đừng sợ! là một trong những dự án phim truyện nhựa (90 phút) thu hút nhiều đối tác quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh.

-Được biết, anh được mời đến Cannes tham gia chương trình L’Atelier do Quỹ điện ảnh Cinefondation của LHP Cannes tổ chức. Hoạt động này có vị trí ra sao trong LHP?

Đạo diễn Phan Đăng Di:“Không khí Cannes cho tôi thêm hưng phấn…” ảnh 1
Đạo diễn Phan Đăng Di tại LHP Cannes 2008. Ảnh: TRUNG NGHĨA

-Lần thứ 5 được tổ chức và nằm trong khuôn khổ LHP Cannes, L’Atelier hướng đến việc tìm kiếm các gương mặt làm phim mới với các tác phẩm theo truyền thống sáng tạo của Cannes. Nhiều tác phẩm ra đời từ đây và đoạt giải thưởng của Cannes. Apichatpong Weerasethakul (người Thái Lan), sinh năm 1970, đạo diễn từng dự L’Atelier và đã có phim được giải ở Cannes là một trong 9 thành viên BGK LHP năm nay.

-Tham gia vào L’Atelier, các dự án được quyền lợi gì?

-Mỗi năm, L’Atelier chọn 15 dự án. Tại đây, những người có dự án gặp các nhà sản xuất phim và các quỹ điện ảnh trên thế giới để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Những phim được L’Atelier chọn sẽ được gắn biểu tượng cành cọ và tên Cannes trên generic. BTC L’Atelier có lộ trình theo dõi sát sao, kiểm tra việc hợp tác và kế hoạch triển khai, tránh trường hợp dự án bị buông…

-Kết quả làm việc của các anh tại L’Atelier?

-Có 4 đối tác khá quan trọng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc: World Cinema Fund của LHP quốc tế Berlin, hãng phát hành đến từ Hà Lan Fortissimo và hai hãng nữa đến từ Pháp (Arte) và Mỹ (Werc Werk Works). Các đối tác tìm hiểu về dự án và kết quả hợp tác cụ thể phải chờ đến cuối năm nay. Vì thế, tôi có thể sẽ chuyển toàn bộ bối cảnh vào phía Nam để quay cho đúng không khí mùa hè…

-Trong 4 dự án của các nhà làm phim châu Á dự L’Atelier, vì sao Bi ơi, đừng sợ! thu hút được nhiều đối tác?

-Có thể vì lần đầu tiên có dự án của VN tham gia chương trình nên người ta tò mò. Tuy nhiên, theo tôi, các đối tác quan tâm hơn cả đến tính khả thi của dự án và việc hợp tác với dự án đó thì họ sẽ được những gì. Còn về kịch bản của tôi, tôi nghĩ, các đối tác thấy nó có sự hòa nhập với dòng chảy chung của những bộ phim thế giới.

-Ngoài những cơ hội hợp tác, anh còn thu hoạch được gì khác?

-Chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động thú vị tại Cannes. Đặc biệt, khi xem phim ở rạp chính của LHP Cannes là Grand Theatre Lumiere - nơi dành chiếu tất cả các phim dự thi - thì từ suất chiếu 7g, khán giả đều phải mặc lễ phục. Phim được ra mắt long trọng, có Chủ tịch và Giám đốc Cannes đón chào khán giả. Với những người yêu điện ảnh, không khí rất thiêng liêng ấy góp phần tạo hưng phấn và kích thích sáng tạo.

-Các nhà làm phim độc lập không còn xa lạ ở nước ngoài nhưng số này ở VN vẫn chưa nhiều. Là một trong những nhà làm phim độc lập, anh nghĩ gì?

-Các dự án phim độc lập không hướng đến mục đích thương mại mà vì sáng tạo cá nhân nên trông chờ vào nguồn quỹ tài trợ và chúng tôi phải chủ động tìm kiếm các đối tác. Không chỉ kiên trì theo đuổi dự án, họ còn phiêu lưu đến cả vùng đất bất ổn nên phải là người đam mê lắm. Nhà làm phim độc lập còn là khái niệm tương đối mới ở VN nhưng tôi đã thấy một số người đi theo xu hướng này. Tôi mong họ đừng ngại thất bại.

 Phan Đăng Di (32 tuổi) đã tốt nghiệp khoa Biên kịch của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của nhiều phim ngắn, trong đó, Sen được trình chiếu tại LHP ngắn danh giá nhất thế giới Clermont Ferrand 2006. Khi tôi 20 là phim nhựa được lọt vào dự án “10 tháng 10 phim ngắn” của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển điện ảnh. Di đã thôi công tác tại Phòng Nghệ thuật, Cục Điện ảnh để trở thành nhà làm phim độc lập và giảng dạy cho dự án đào tạo điện ảnh của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội...

VÕ THÂM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục