Mục tiêu của kinh doanh là gì? Lợi nhuận hay ích nước lợi nhà? Kiếm tiền hay phụng sự xã hội? Tổng quát hơn là “dùng sản phẩm và dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội, làm cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn”.
Và với doanh nhân, doanh nghiệp vấn đề đạo đức trong kinh doanh, uy tín, trung thực, đoàn kết, tương thân tương ái… có là những vấn đề văn hóa phải có trong kinh doanh?
25 tập sách về 25 huyền thoại doanh nhân. Và gần 300 doanh nhân, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ tên tuổi của cả nước tham dự một cuộc hội thảo tầm quốc gia về “Đạo kinh doanh của người Việt” do sáng kiến của Phòng Thương mại Việt Nam, Tổ hợp Giáo dục PACE và NXB Trẻ phối hợp tổ chức vào ngày 28-7 vừa qua, xem ra là một vấn đề rất đáng quan tâm, rất cần thiết và cũng rất hợp cảnh khi Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập thế giới, vào WTO …
Tuy nhiên, kinh doanh nói rộng ra, xét theo bình diện xã hội là bao gồm cả sản xuất và buôn bán, cung ứng dịch vụ, điều đó đồng nghĩa với kinh doanh là “gõ cửa” tới từng nhà, có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến toàn xã hội.
Và nói đến “đạo” là nói đến đường lối, định hướng, đến những nguyên tắc chung, những lẽ phải mà con người, trước hết là người theo “đạo” phải có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội. Như vậy, có thể nói, đây là một vấn đề không giản đơn, cần phải được bàn sâu, bàn kỹ. Cần phải tiếp tục mổ xẻ, tranh luận, xác định cho đúng đâu là cốt lõi Đạo kinh doanh của người Việt.
Với tinh thần trách nhiệm và ý thức tự cường dân tộc, cũng như để rộng đường dư luận, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn bàn luận về “Đạo kinh doanh của người Việt”. Kể từ ngày 10-8-2007, hàng tuần, Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ đăng tải ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân… về vấn đề trên.
Hy vọng nhận được nhiều đóng góp của toàn xã hội để Đạo kinh doanh của người Việt có định hướng đúng đắn, mang bản sắc văn hóa, sức mạnh nội lực Việt Nam; làm cho doanh nhân Việt Nam ngang tầm thế giới, đồng lòng chung sức, xây dựng nước nhà thịnh vượng và được xã hội, nhà nước trân trọng, tôn vinh xứng đáng.
Thư từ bài vở xin gửi về: Báo SGGP, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM, Nghiêm Minh, Trung tâm Đào tạo – bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài bì thư ghi rõ: Bài gửi diễn đàn “Đạo kinh doanh của người Việt” ; không cần dán tem.
Tòa soạn Báo SGGP