Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giỏi cho Đảng

TPHCM đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn cao, trình độ lý luận chính trị xứng tầm với yêu cầu phát triển chung; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của các cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đa dạng nội dung, hình thức

Thành ủy TPHCM đã có Kế hoạch số 17 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố giai đoạn 2021-2025. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch này.

Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận Tân Bình Nguyễn Thị Tuyết Lệ Sương, cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Bình đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2019 đến nay, quận đã cử 780 cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, đào tạo sau đại học.

Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng được các địa phương chú trọng, trong đó có cả cán bộ được cử đi học đại học văn bằng 2, sau đại học, phù hợp với vị trí việc làm. Đặc biệt là việc phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo cử nhân luật kinh tế, cử nhân xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước, thạc sĩ quản lý công…

Đơn cử, Quận ủy quận 3 chủ động phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức 2 lớp đào tạo thạc sĩ quản lý công hệ điều hành cao cấp khóa 2017-2019 và khóa 2021-2023 cho cán bộ chủ chốt. Khóa đầu tiên có 33 cán bộ tốt nghiệp, khóa thứ hai có 22 cán bộ đi học đã hoàn thành 2/3 chương trình đào tạo. Mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM và Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng tổ chức khai giảng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chính sách công hệ điều hành cao cấp cho cán bộ thành phố.

Cán bộ UBND TP Thủ Đức hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cán bộ UBND TP Thủ Đức hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Lê Thị Thanh Thúy, chương trình nhằm thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy TPHCM về việc tăng cường đào tạo bổ sung kiến thức chuyên sâu về chính sách công cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố. Qua đó, giúp nâng cao năng lực phân tích và đánh giá các vấn đề về công tác quản lý nhà nước.

Trên cơ sở đó có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đề xuất những giải pháp hiệu quả cho công tác phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thu hút đội ngũ trí thức

Nhằm phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng vững mạnh, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2023 với Trường ĐH Kinh tế TPHCM.

Nội dung phối hợp đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn cán bộ trẻ từ đội ngũ sinh viên; công tác kết nạp đảng viên trong giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh các trường học trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, hệ thống các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố có đội ngũ trí thức tương đối đông đảo, có trình độ chuyên môn ngày càng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Cụ thể, tổng số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 817 người (chiếm tỷ lệ 0,66% trên tổng số cán bộ của TPHCM), thạc sĩ là 10.191 người (chiếm tỷ lệ 8,18%) và hơn 82.600 người có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 66,36%).

Bên cạnh nhiều giải pháp thu hút, cơ chế chính sách đãi ngộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tới đây, thành phố đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đối với công tác cán bộ, tập trung theo hướng thi tuyển cạnh tranh để lựa chọn lãnh đạo, quản lý và cơ chế đánh giá khách quan gắn với chính sách đãi ngộ về thu nhập phù hợp nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực phấn đấu, gắn bó lâu dài với các cơ quan đơn vị trong khu vực công.

Cùng với đó, thành phố đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các chương trình đào tạo cán bộ trẻ để bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và nguồn cán bộ khoa học - công nghệ của thành phố.

Ngoài ra, TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm xem xét xây dựng và ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và điều kiện của đô thị đặc biệt, đảm bảo mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để tạo động lực giữ chân nhân tài, tạo đột phá trong thu hút đội ngũ trí thức nói riêng, nhân lực chất lượng cao nói chung đến công tác và cống hiến lâu dài cho thành phố.

Theo đề án về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TPHCM giai đoạn 2020-2035 của Thành ủy TPHCM, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tuyển chọn và cử đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ, 100 thạc sĩ theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục, quản lý đô thị, khoa học chính trị.

Đề án cũng đặt mục tiêu tuyển chọn 50 công nhân theo chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân của TPHCM được chi từ nguồn kinh phí đào tạo của thành phố.

Tin cùng chuyên mục