“Đào tạo nghề có địa chỉ”

Vạn sự khởi đầu nan
“Đào tạo nghề có địa chỉ”

Cách đây khoảng 15 năm, trang “Đời sống ngoại thành” Báo SGGP đưa tin về “Đào tạo nghề có địa chỉ” của Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè. Cách làm sáng tạo lúc bấy giờ của Giám đốc Trung tâm Lâm Văn Quản được sự quan tâm của TP, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nhiều đơn vị đã đến tìm hiểu kinh nghiệm. Sau đó, trung tâm được nâng cấp thành Trường Trung cấp dạy nghề Nguyễn Hữu Cảnh (nay ở quận 7).

Vạn sự khởi đầu nan

Năm 1990, rời bục giảng đại học, thầy giáo Lâm Văn Quản về làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè và đối diện ngay với thực tại gần như là con số không của trung tâm. Là trung tâm dạy nghề nhưng không có nhà xưởng, thiết bị; xem lại sổ sách mới “phát hiện” cũng có một chút gọi là “tài sản”, đó là khoảng chục cái máy may gia dụng, nhưng người tiền nhiệm đã gửi tạm đâu đó trong nhà dân vì không có nơi bảo quản.

Huyện Nhà Bè lúc bấy giờ đang thời kỳ đầu đô thị hóa, Khu chế xuất Tân Thuận mới thành lập. Công việc ở đây không chỉ là chọn nghề để đào tạo mà còn tùy thuộc vào đặc điểm lao động của người địa phương để tìm nghề nào phù hợp, thu hút nhiều lao động theo học. Tìm hiểu kỹ, ở huyện có Xí nghiệp May Nhà Bè thu hút nhiều lao động nữ. Anh nhận thấy đây là một “đầu ra” cho nhiều chị em nông thôn. Đơn vị đầu tiên mà anh đến đặt vấn đề là INEXIM với đơn “đặt hàng” đào tạo gần 200 công nhân may công nghiệp (MCN).

Trò góp máy, thầy “chạy” trường

“Đào tạo nghề có địa chỉ” ảnh 1

Thực hành ở khoa cơ khí Trường Cao đẳng KT-KT Phú Lâm.

Khi ký được hợp đồng, thầy Quản cùng các thầy cô trung tâm lên ngay kế hoạch, tập trung sửa chữa lại những máy may gia dụng… rồi thông báo chiêu sinh. Khóa học đầu tiên rồi cũng thành hình với nhiều kịch tính khi số học viên lên đến gần hai trăm, nhiều em thuộc đối tượng gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong khi thiết bị giảng dạy của trung tâm chỉ loe hoe chục máy dân dụng gia đình. Thầy Quản đành phải yêu cầu em nào có máy may mang đến trường để tập, được trừ bớt chi phí. Mặt khác, thầy liên hệ với các trung tâm dạy nghề ở các quận nội thành để thuê máy cho học viên học.

Chưa hết, hợp đồng là đào tạo công nhân MCN, sau khi học viên làm quen với máy dân dụng thì máy MCN lại không có để học. Lời giải của thầy Quản: tất cả học viên học và thực hành chuyền MCN tại nhà máy. Cách dạy và học này tuy có chút bất tiện, thời gian học nghề phải lệ thuộc máy móc của trường lớp bạn nhưng bù lại, học viên trung tâm nhờ có mối liên kết tốt với nơi “đặt hàng”, học viên được thực tập ngay trên dây chuyền công nghệ với trợ giảng do chính chuyên gia của xí nghiệp hướng dẫn nên tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm ngay rất cao.

Từ khi còn là Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè đến khi được nâng cấp thành Trường Trung học nghề Nguyễn Hữu Cảnh như ngày nay, một trong những hoạt động thường xuyên của trường chính là luôn phối hợp chặt chẽ với BQL Khu chế xuất Tân Thuận và các khu công nghiệp ở một số tỉnh bạn để nắm bắt nhu cầu ngành nghề đào tạo. Từ đó, đào tạo hàng ngàn lượt học viên, công nhân kỹ thuật theo mô hình “đào tạo có địa chỉ” này. Không chỉ riêng với ngành may, trường còn triển khai dạy thêm các ngành nghề lắp ráp máy, dệt, sợi… trên những dây chuyền hiện đại tại các nhà máy, xí nghiệp mà không phải đơn vị dạy nghề nào cũng có thể trang bị được. Những lớp học viên này, ngày nay có người là cán bộ công đoàn cơ sở, có người được nhà máy đào tạo nâng cao với mức lương 500 - 600 USD/tháng…

“Mặt trận” phía Tây TP

Giờ đây thầy Lâm Văn Quản là Hiệu trưởng Trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Phú Lâm (từ tháng 7-2006). Trường vừa được quyết định chuyển thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm. Tập thể giáo viên, học sinh của trường đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập trường (ngày 8-8-2008). Thầy Quản hóm hỉnh: “Trước kia Nhà Bè như… nhà nghèo vượt khó. Còn bây giờ với cơ ngơi khá lớn, lại là đơn vị được chọn là trường trọng điểm ở phía Tây TP, nhà trường vừa được TP cấp thêm 5,7ha đất để xây dựng phân hiệu tại Bình Chánh và giữ trọng trách như “mặt trận” trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của TP”.

Hai năm tới trường sẽ thu nhận gần 8.000 học sinh/năm, sẽ có nhiều hạng mục phải đầu tư như trung tâm khoa học công nghệ và hỗ trợ học sinh, khu thể dục thể thao, xưởng thực hành, cải tạo khu ký túc xá, phòng thí nghiệm vật lý, hóa học… Hiện tại trường có mối quan hệ với trên 50 công ty, xí nghiệp để học sinh thực tập, cũng là nơi tiếp nhận các em vào làm việc. Bản thân nhà trường không chỉ đào tạo nghề, nâng cao năng lực chuyên môn của lao động trẻ mà còn là cầu nối hỗ trợ các DN trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh ở TP và địa phương khác…

Chia tay thầy trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm cũng vừa lúc đoàn khách của Tập đoàn Microsoft đến tham quan nhà trường. Ông Hồ Hoàng Kiếm “bật mí”: “Họ đặt vấn đề giúp xây dựng đào tạo hệ cao đẳng chuyên viên phần mềm. Nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này đang rất “hot” mà trường Phú Lâm là địa chỉ được họ quan tâm”.

“Đào tạo nghề có địa chỉ” ở 1 huyện nghèo ngoại thành bây giờ đang bước lên tầm cao mới!

Võ Thành Nguyên

Tin cùng chuyên mục