Cuộc xung đột tại Syria kéo dài gần một năm qua, bất chấp các nỗ lực hòa giải của khu vực và quốc tế. Khả năng phương Tây sẽ can thiệp quân sự vào Syria đang gia tăng nhưng dù sao đi nữa, để có được một sự đồng thuận tại HĐBA LHQ cho việc tấn công quân sự Syria xem ra Mỹ và các nước đồng minh cần phải mất nhiều công sức để thuyết phục Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực HĐBA LHQ đang kiên quyết phản đối biện pháp quân sự chống Syria.
Còn nếu chỉ dừng lại ở các biện pháp cấm vận thì hầu như Mỹ và các đồng minh khó đạt được mục tiêu lật đổ ông Assad như đã làm với đại tá Gaddafi.
Các nước phương Tây đang rất hăm hở lật đổ Tổng thống Syria Assad nhưng có vẻ họ chưa hình dung được tình hình hậu Assad ở Syria sẽ như thế nào. Các nhà phân tích Mỹ đều thống nhất rằng chính sách của Mỹ chỉ chăm chăm vào việc lật đổ còn vấn đề hòa giải và kiến thiết sau đó bị bỏ ngỏ. Afghanistan, Iraq, Libya, Ai Cập và Yemen, các chế độ ở đây đều bị Mỹ và phương Tây trực tiếp hay gián tiếp đánh đổ nhưng đến nay tình hình vẫn không ổn định hơn.
Vấn đề chính là lực lượng đối lập tại các nước này đều không đủ uy tín và thế mạnh để điều hành đất nước khi cờ đến tay. Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập ra đi, giờ đến lượt quyền hành rơi vào giới quân đội chứ không phải lực lượng đối lập, những người đã tham gia biểu tình chống Mubarak. Yemen vẫn bất an sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức.
Đối với Afghanistan, Iraq và Libya, các cuộc can thiệp quân sự cũng không làm tình hình nơi đây khá hơn, thay vào đó là tình trạng cát cứ, chia rẽ, cơ sở hạ tầng đổ nát. Mới nhất, tại Libya, các tay súng địa phương vẫn đang điều hành đất nước thời kỳ hậu Gaddafi vì chưa có chính phủ nào được đa số người dân Libya chấp nhận.
Tình hình tại Syria cũng vậy, Quân đội Syria tự do (FSA), một tổ chức đối lập cam kết “sẽ cùng đoàn kết với nhân dân vì nền tự do và uy tín của Syria”. Nhưng tới nay, tổ chức này vẫn mang tính cách manh mún, địa phương, chưa đủ tầm hoạt động trên bình diện quốc gia. Nhiều người còn mỉa mai rằng FSA là viết tắt từ “Facebook Syrian Army” (quân đội Syria trên Facebook), ý nói rằng FSA chỉ mạnh trên không gian ảo còn thực tế thì không. Đó sẽ là nỗi lo lớn khi Tổng thống Assad bị lật đổ.
Hơn thế nữa, Mỹ và phương Tây chớ hy vọng sẽ tạo được thiện cảm từ người dân nơi các nước có chế độ bị Mỹ lật đổ. Theo thăm dò mới đây tại Ai Cập, chỉ có 1/5 người dân nước này thiện cảm với Mỹ. Đã vậy, chính phủ tạm quyền tại đây chuẩn bị đưa 19 người Mỹ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ ra tòa vì họ hoạt động “thúc đẩy dân chủ”, bất chấp sự phản đối từ Mỹ.
Người xưa có câu, đập bỏ thì dễ, xây dựng mới là khó, xem ra điều đó rất hợp với những gì đang diễn ra tại những nước mới thay đổi chế độ. Nhưng điều này cũng dễ hiểu vì phương Tây chỉ muốn dựng lên những chính phủ “dễ bảo” để phục vụ lợi ích của họ, còn những chính phủ này có phục vụ lợi ích của nhân dân mình hay không phương Tây đâu có quan tâm.
Thụy Vũ