Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
(SGGP).- Ngày 29-4, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An - quê hương “trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015).
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Nam Việt nêu rõ, để có được ngày toàn thắng, Đảng bộ và nhân dân Long An mãi tri ân hàng chục ngàn anh hùng, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các tập thể, cá nhân đã hy sinh xương máu, đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa nhưng bản hùng ca đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn vang vọng, phát huy hào khí, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Long An trên bước đường hội nhập và phát triển.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các lãnh tụ tiền bối của Đảng, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh, 40 năm đã trôi qua, ngày nay cục diện thế giới và khu vực đã có thay đổi to lớn, tình hình diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông rất gay gắt. Các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh các hoạt động diễn biến hòa bình; gây bạo loạn, lật đổ, mất ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân.
Trong khi khẳng định những thành tựu rất quan trọng đã đạt được, chúng ta cũng cần phải nghiêm túc nhận thức rõ những hạn chế yếu kém còn tồn tại để tập trung khắc phục. Đó là, kinh tế phát triển thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện; chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn còn điểm yếu, cản trở sự phát triển; nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết; tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức; tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm còn nghiêm trọng, chậm được đẩy lùi, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trước tình hình đó, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải nỗ lực cao, mang tinh thần tiến công của Đại thắng mùa Xuân 1975 vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước thời kỳ mới. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải noi gương đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân để làm việc, phấn đấu. Mỗi người Việt Nam yêu nước, cả ở trong nước và đồng bào ở nước ngoài phải cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng bạn bè quốc tế và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út (100 tuổi) và Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Ba (98 tuổi).
Trước đó, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, đã đến huyện Cần Giuộc trao tặng 24 căn nhà tình thương và 1 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện.
° Cùng ngày, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đến dự lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tại Hậu Giang. Ảnh: CHUNG THÀNH
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những đóng góp to lớn của quân và dân Hậu Giang trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng lưu ý, trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm, bảo đảm hiệu quả và lợi ích cao nhất cho người nông dân.
Dịp này, Hậu Giang có 252 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Cùng ngày, Hậu Giang đã khánh thành và khởi công 22 công trình với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng, phục vụ cho yêu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội
ĐĂNG NGUYÊN- CAO PHONG