Dấu hiệu tan băng

Hôm nay 8-4, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Cát Bính Hiên sẽ đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày. Ông Cát Bính Hiên là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc công du Nhật Bản kể từ năm 2012.

Hôm nay 8-4, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Cát Bính Hiên sẽ đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày. Ông Cát Bính Hiên là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc công du Nhật Bản kể từ năm 2012.

Trong khi đó, vào tháng trước, Nhật Bản và Trung Quốc đã mở một cuộc họp song phương về an ninh sau 4 năm gián đoạn với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu. Hãng Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định, các cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp cao nói trên là bằng chứng rõ rệt cho thấy Tokyo và Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn cải thiện ngoại giao.

Lịch sử chiến tranh và tranh chấp chủ quyền biển đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là những vật cản trong quan hệ song phương. Đỉnh điểm của sự căng thẳng diễn ra vào năm 2012 khi Tokyo cho quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cho dừng tất cả tiếp xúc cấp cao với Tokyo, kéo theo quan hệ hợp tác giữa hai nước bị ảnh hưởng.

Kể từ khi trở lại cầm quyền vào cuối tháng 12-2013 tới nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa có cuộc họp thượng đỉnh song phương nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước đã có một cuộc tiếp xúc ngắn đầu tiên vào tháng 11-2014 bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh. Giới phân tích nhận định cái bắt tay ở  ở Bắc Kinh vô cùng đáng giá bởi cử chỉ này dấy lên hy vọng làm xoa dịu căng thẳng Nhật Bản-Trung Quốc.

Hy vọng này đang tiếp tục được củng cố khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 7-4 cho biết, Tokyo và Trung Quốc đang tiến hành sắp xếp một cuộc gặp cấp bộ trưởng tài chính vào tháng 6 tới. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua, hai bên lên kế hoạch cho một cuộc họp như vậy. Hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ thể hiện qua mức độ đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc đầu năm nay cho hay, bất ổn chính trị là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 2014 giảm mạnh nhất trong gần 1/4 thế kỷ. Theo thống kê của Trung Quốc, năm 2014, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm gần 40%, mức giảm được cho là mạnh nhất kể từ năm 1989, xuống hơn 4 tỷ USD. Trước đó, Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc (ITAC) từng nhận định rằng đầu tư chịu ảnh hưởng bởi quan hệ giữa hai nước, những tranh chấp quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku khiến tình hình tệ hơn.

Là những quốc gia lớn, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh vì thế không chỉ tổn hại quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng đến khu vực và thế giới. Mỹ đã không ít lần phải kêu gọi chính phủ hai nước giảm nhiệt vì lo ngại những tác động tiêu cực đến thương mại cũng như an ninh ở khu vực châu Á và toàn cầu. Chính vì vậy, không ít chuyên gia về chính trị cho rằng những dấu hiệu tan băng trong quan hệ giữa hai ông lớn Đông Bắc Á không chỉ là tín hiệu tích cực mà người dân Nhật Bản và Trung Quốc mong muốn đón nhận.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục