Do đó, để quản lý môi trường lưu vực sông của vùng giáp ranh liên tỉnh, TPHCM đã chủ động trao đổi và ký kết Quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng. Trên cơ sở quy chế được ký kết, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM thực hiện kế hoạch cụ thể với từng địa phương, tạo thành mạng lưới chia sẻ thông tin, cũng như phối hợp xử lý các cơ sở xả thải vượt quy chuẩn tại khu vực giáp ranh.
Cụ thể, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã phối hợp triển khai giải quyết điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các khu vực giáp ranh; triển khai các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát và hạ tầng kỹ thuật môi trường; công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Không dừng lại ở đó, nhằm thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng đã tiếp xúc, trao đổi, làm việc với Tổ chức C40, TP Rotterdam (Hà Lan), TP Osaka (Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... liên quan đến công tác quản lý và công nghệ mới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Qua đó tạo cơ hội cho TPHCM học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đội ngũ cán bộ, công chức cũng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực này.