Đẩy mạnh phân cấp, tăng sự hài lòng của người dân

Đề án ủy quyền cho các sở ngành, thủ trưởng các sở ngành, UBND quận huyện, chủ tịch UBND quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, chủ tịch UBND TP, vừa được UBND TPHCM trình Thường trực HĐND TPHCM.
“Thực hiện ủy quyền góp phần giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tăng hiệu quả thực hiện cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, thực hiện cơ chế phân cấp ủy quyền tốt sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả giải quyết công việc, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính”. Đề án ủy quyền cho các sở ngành, thủ trưởng các sở ngành, UBND quận huyện, chủ tịch UBND quận huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, chủ tịch UBND TP, vừa được UBND TPHCM trình Thường trực HĐND TPHCM, nêu rõ.
Theo đề án, UBND TPHCM đề nghị ủy quyền cho các sở ngành, UBND quận huyện đối với một số lĩnh vực như đô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án, văn hóa - xã hội - khoa học và lĩnh vực nội chính. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất ủy quyền các nội dung thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND TP như lĩnh vực môi trường đô thị (cho giám đốc Sở GTVT, Sở Tài chính); lĩnh vực kinh tế - ngân sách - dự án (cho chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc Sở TT-TT, Sở Tài chính); lĩnh vực văn hóa - xã hội - khoa học (cho giám đốc Sở GĐ-ĐT, Sở LĐTB-XH…) và lĩnh vực nội chính.
UBND TP cho biết, từ khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ đầu năm 2016), UBND TP đã ban hành nhiều quyết định phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, quận huyện. Nội dung tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Nhìn chung, việc phân cấp, ủy quyền đã giúp nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của các sở ngành, quận huyện và rút ngắn được thời hạn giải quyết công việc. Trong đó, chính quyền TPHCM xác định nguyên tắc xuyên suốt trong phân cấp, ủy quyền là “tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh cho cơ sở để tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Việc gì cơ quan, đơn vị có điều kiện thực hiện tốt thì tăng cường phân cấp, ủy quyền cho đơn vị đó thực hiện”. Tuy nhiên, do quy định về phân cấp ủy quyền còn khá ít, chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ nên gây lúng túng trong thực hiện. Ngoài ra, lâu nay TPHCM chủ yếu tập trung phân cấp, ủy quyền vào một số lĩnh vực như đầu tư; xây dựng; cán bộ, công chức, viên chức… nên chưa phát huy được vai trò, chủ động của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, Nghị quyết 54 mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND TPHCM trong thực hiện cơ chế ủy quyền so với quy định hiện hành. Do vậy, việc xây dựng đề án ủy quyền nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là việc hết sức cần thiết, cấp bách nhằm góp phần xây dựng TPHCM ngày càng phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. UBND TPHCM cũng khẳng định, khi thực hiện ủy quyền sẽ giảm khâu trung gian trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của các sở ngành, UBND các quận huyện; góp phần giảm áp lực và mức độ tập trung giải quyết sự vụ của UBND TP. Từ đó, UBND TP, chủ tịch UBND TP sẽ có điều kiện hơn để tăng cường vai trò điều hành. Tuy vậy, UBND TP cho rằng việc thực hiện ủy quyền phải kèm theo điều kiện cụ thể, trong thời gian xác định (đến hết ngày 31-12-2020). Các cơ quan, đơn vị, cá nhân được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung đã được ủy quyền và không được ủy quyền tiếp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được ủy quyền trước UBND TP, chủ tịch UBND TP.

Tin cùng chuyên mục